Mới đây, clip nhóm học sinh cấp 2 ở Tuyên Quang có những lời lẽ, hành vi thô bạo gây xôn xao dư luận. Qua đó, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao học sinh có những lời nói, hành động vi phạm đạo đức nghiêm trọng như vậy, thưa ông?
Việc học sinh có những hành vi vô lễ, ngang ngược với giáo viên phải xem xét từ nhiều phía, chúng ta không thể “đổ” hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Vai trò của gia đình ở đâu? Nếu giáo dục gia đình làm tốt nhiệm vụ của mình, thì bản thân những đứa trẻ sẽ có những nguyên tắc, hành vi ứng xử và những giới hạn đảm bảo phép lịch sự, sự lễ độ đối với người lớn, đặc biệt người lớn ở đây là những thầy, cô dạy dỗ mình.
Nếu không có sự tham gia của cả xã hội, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ. Nếu những đứa trẻ đang sống trong những môi trường ẩn chứa nhiều tiêu cực, ngay ngoài đường, ngoài chợ, tất cả những hành vi ứng xử với nhau không sử dụng “lời hay ý đẹp”, không ứng xử nhân văn, phi bạo lực, toàn những mâu thuẫn, xích mích, “động tay động chân với nhau”, thì nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới quan và nhân sinh quan của những người trẻ.
Bên cạnh môi trường thực, là môi trường mạng, chúng ta phải bảo vệ những người trẻ khỏi việc tiếp cận quá sớm với những nội dung trên không gian “ảo”, không gian chứa đựng nhiều chất liệu bạo lực, hình ảnh tình dục, những nội dung mang tính chất người lớn, không phù hợp với độ tuổi.
Nếu hàng ngày, hàng giờ, những đứa trẻ tiếp xúc với những hình ảnh tiêu cực đó, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ, nhà trường, cũng như cộng đồng thì chúng sẽ “tiêm nhiễm” vào đầu những người trẻ. Trước những hành xử bạo lực, người trẻ coi đó là bình thường khi các em cảm thấy ấm ức, khi nhận định ai đó có hành vi không đứng đắn, khi các em nghĩ rằng mình được phép sử dụng những lời nói hạ nhục người khác, hoặc sử dụng những hành vi tấn công về mặt thể chất và các hành vi đó được chấp nhận.
Trong những đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội, giáo viên đã có những hành động phản kháng lại sự tấn công của nhóm học trò, song tất cả đều rơi vào “trạng thái bất lực”. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Đối với giáo viên, tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, cô cũng chưa có một kỹ năng sư phạm tốt. Ngay khi thấy lớp học trở nên mất kiểm soát, hành vi của học trò dường như không còn cân nhắc lý trí, chỉ hành động theo cảm xúc, đáng lẽ cô phải có một số những cách thức để “ngắt mạch” sự việc.
Chẳng hạn cô thấy các học sinh bắt đầu mất bình tĩnh, các em có thể hiểu nhầm khía cạnh nào đó cô có thể nói rằng: "Cô biết là các em cũng đang không bình tĩnh và những hành động này của các em là không chấp nhận được, nhưng bây giờ cô muốn chúng ta sẽ dành cho nhau một khoảng thời gian để bình tĩnh lại, sau đó chúng ta cùng chia sẻ". Nếu có những lời nói như vậy, giáo viên có thể mời được người “đầu têu, cầm đầu” ra một nơi riêng biệt để các em bình tĩnh lại.
Tuy nhiên, trong trường hợp ngay từ đầu các em mất kiểm soát, cô có thể nói rằng: "Vì các em chưa có đủ bình tĩnh để lắng nghe cô nói và chúng ta chưa tìm ra được giải pháp hòa bình để cô trò đều không phải vướng vào rắc rối, cô sẽ rời đi, đến một không gian khác". Trong thời gian đó, cô có thể nhờ người khác vào quản lý lớp học.
Tất cả những điều đó có thể sẽ “ngắt mạch” được sự việc, hiểu lầm, không dẫn đến hoàn cảnh cô có thể bị gài bẫy, trở nên phát hỏa và bắt đầu có những cái hành vi theo cảm xúc bản năng, không dựa trên sự cân nhắc lý trí của một nhà giáo dục.
Tôi nghĩ điều này cũng thể hiện, đôi khi chúng ta đã tập huấn cho đội ngũ giáo viên phương pháp quản lý lớp học tích cực, hay kỷ luật tích cực, nhưng chưa thể thay đổi hành vi của các thầy cô, mới chỉ là giúp thầy cô nhận thức, hiểu được các phương pháp, nhưng chưa vận dụng thành thạo.
Chúng ta thấy giáo viên ngày càng trở nên bất lực vì không thể xử lý học sinh theo kỷ luật truyền thống, vì vi phạm quyền của trẻ em, nhưng dường như các thầy cô vẫn chưa hình thành được kỹ năng quản lý lớp học tích cực và xử lý những hành vi sai của học sinh bằng kỷ luật tích cực. Chính vì vậy dường như giáo viên rất bị động, rất cô đơn, bất lực trước hành vi sai của “những đứa con”.
Mặt khác, phụ huynh không đứng ngoài cuộc. Thực tế nhiều trường hợp học sinh làm sai, giáo viên đưa ra những hình thức xử lý, nhưng phụ huynh phản ứng lại vì chưa hiểu tính chất giáo dục của những phương pháp đó. Thậm chí, khi nghe lời nói một chiều từ con cái, họ đã mất bình tĩnh, “hùng hổ” đến trường học. Vì vậy, những hành vi của phụ huynh xảy trong môi trường học đường lúc này hoặc lúc khác, làm cho những đứa trẻ nhìn theo và bắt chước.
Những đứa trẻ thấy rằng hành vi của cô giáo xử lý mình không chấp nhận được và chúng có thể hành xử mất bình tĩnh, dựa trên cảm xúc, không dựa trên các nguyên tắc ứng xử đã được nhà trường quy định.
Ông có đề xuất, kiến nghị giải pháp nào để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai?
Chúng ta đang trong quá trình xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc, một số điểm trọng tâm cần thực hiện ngay đó là bản thân giáo viên và học sinh đều cần phải được tư vấn và hỗ trợ tâm lý.
Mỗi khi thầy cô gặp những khủng hoảng, gặp những tình huống sư phạm khó xử, họ cần sự trợ giúp từ phòng tư vấn tâm lý học đường. Việc triển khai phòng tâm lý học đường không chỉ cho học sinh mà cho cả giáo viên. Công tác này cần được triển khai một cách thực chất, hiệu quả.
Thêm vào đó, các chương trình phòng ngừa cần phải được tái kích hoạt. Đặc biệt là những chương trình về phòng ngừa bạo lực học đường, trong đó cần làm rõ các biểu hiện, hành vi bạo lực học đường là như thế nào để giúp học sinh biết thể hiện thái độ đúng với những hành vi bạo lực học đường. Mặt khác, với vai trò là những người chứng kiến hành vi bạo lực học đường chúng ta cần phải làm gì để thể hiện được trách nhiệm của mình.
Không phải cứ quan sát thấy bất cứ vụ việc nào chúng ta cũng ngay lập tức giơ điện thoại lên để quay hình, chia sẻ một cách là vô ý thức và thiếu trách nhiệm ở trên mạng xã hội. Các em cũng cần phải được chia sẻ về cách thức sống và tương tác an toàn trên mạng xã hội để không đặt mình vào những cái tình huống nguy cơ.
Hơn hết, giáo viên và phụ huynh phải cùng nhau chia sẻ những nguyên tắc kỷ luật tích cực, qua đó áp dụng bài bản vào các tình huống ứng xử ở nhà và ở trường để dạy cho các em học sinh cách thức hành xử giải quyết vấn đề phi bạo lực. Hai bên cùng đồng lòng cùng vì sự nghiệp “trồng người”, vì sự phát triển của con em mình.
Đặc biệt, những văn bản ngành giáo dục đã triển khai chúng ta cần phải đưa vào cuộc sống. Ví dụ như các quy tắc ứng xử học đường ngành đã triển khai nhưng chúng ta dường như mới chỉ thể hiện nó ở trên văn bản, “đút vào ngăn kéo”, chưa biến thành hành vi ứng xử thường ngày giữa thầy trò trong tương tác với nhau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!