Ông Ngô Tạo Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng đào đem lại, những năm qua, nhiều hộ gia đình trong phường đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất. Giờ đây, nghề trồng đào Tết đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây. Từ nghề trồng đào, nhiều gia đình đã từng bước thoát nghèo, có của ăn, của để.
Theo ông Lợi, nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, những năm gần đây, ngoài việc trồng đào, người dân phường Đình Bảng còn mạnh dạn đầu tư trồng thêm nhiều loại hoa, đem lại giá trị kinh tế cao như hoa ly, hoa đồng tiền, các loại hoa cúc, nhiều nhất vẫn là hoa đào. Riêng vụ đào Tết năm nay, toàn phường trồng trên 80 ha đào, chủ yếu là đào bích, đào cành và đào rừng.
"Thời tiết thuận lợi, hoa đào sinh trưởng, phát triển tốt, ra nụ đều, đến nay hầu hết các vườn đào đã có thương lái đến đặt mua. Thời điểm khoảng 20/12 âm lịch, toàn bộ số đào của phường sẽ được thương lái chuyển đi khắp các tỉnh miền Bắc để tiêu thụ", ông Lợi nói.
Vụ đào Tết năm nay, gia đình ông Ngô Quang Qũy, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn trồng gần 100 gốc đào rừng. Đến nay, khoảng 40 gốc đã được các thương lái đặt mua. Ông Qũy chia sẻ, thời điểm này năm ngoái do nắng nhiều, hầu hết các cây đào đều nở trước Tết nên lãi không nhiều. Năm nay, thời tiết thuận lợi, đào được chăm sóc đúng kỹ thuật nên ra nụ đều. Ông Qũy nhẩm tính, trừ chi phí gia đình ông sẽ thu về trên 60 triệu đồng.
Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng, phường Đình Bảng gần như "ăn ngủ" tại vườn để chăm sóc từng gốc đào để kịp giao cho khách hàng. Anh Dũng cho biết, năm nay, gia đình trồng trên 150 gốc đào, chủ yếu là đào rừng. Đến nay, hầu hết các cây đào đã được đặt mua hết. Với giá trung bình từ 500.000 đến 5 triệu đồng/cây, trừ chi phí gia đình anh Dũng thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Khác với mọi năm những người chơi hoa đất Kinh Bắc thường tìm cho mình những cành đào phai, đào bích, đào thế để trưng Tết, thì năm nay đào rừng, đào cành lại được nhiều người chơi ưa chuộng, chọn mua. Nắm bắt được xu thế, năm nay, nhiều hộ dân tại phường Đình Bảng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng đào bích, đào phai, đào thế sang trồng đào rừng, đào cành để phục vụ thị trường Tết.
Anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, khác với đào bích, đào phai, đào rừng có màu phớt hồng, dịu nhẹ, lâu phai và mang đặc tính hoang dại, nguyên sơ của núi rừng. Vì thế, loại đào này được nhiều người chọn mua để chơi Tết.
"Nếu như trước đây, để chọn mua một cây đào rừng người chơi phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, bởi số lượng đào về xuôi rất ít, giá thành lại cao. Vì thế, người chơi đào rừng hầu như không chọn được cho mình những cây ưng ý. Nhận thấy xu thế chơi đào rừng, nhiều hộ dân trong phường đã lên các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… để học hỏi kinh nghiệm và tìm mua những gốc đào rừng đẹp về trồng thử nghiệm. Sau nhiều lần thất bại, đến nay, các hộ trong phường đã nắm được kỹ thuận trồng, chăm sóc đào. Nhiều hộ đã trồng được những cây rừng to, đẹp, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến chọn mua", anh Dũng nói.
Theo anh Dũng, trồng đào phai, đào bích đã khó, trồng đào rừng lại càng khó hơn, bởi đào rừng hợp khí hậu lạnh ở các tỉnh miền núi. Để trồng thành công được cây đào rừng, người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc, nắm bắt được sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nhiều hộ dân trong phường trồng được đào rừng nên nhiều người thường gọi vui là "đào rừng giữa phố".
"Tiếng lành đồn xa", những năm gần đây, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán người dân và thương lái đều đổ dồn về đây để chọn mua những cây đào rừng ưng ý nhất. Vì thế, đào Đình Bảng được mọi người biết đến nhiều hơn, anh Dũng cho hay.
Là người "sành" chơi đào rừng, những năm gần đây, anh Nguyễn Hữu Quận, trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không phải vất vả đi xa để chọn mua, bởi ngay tại "vựa" đào Đình Bảng, có rất nhiều cây đào rừng đẹp để anh lựa chọn. Anh Quận cho biết, khoảng 5 năm về trước, tôi và bạn bè thường rủ nhau lên các tỉnh miền núi chọn mua đào rừng, nhưng từ khi biết đến phường Đình Bảng có đào rừng, tôi thường đến đây mua cây.
"Đầu tháng 12 âm lịch, tôi đã đến phường Đình Bảng để chọn mua một cây đào rừng. Hôm nay, tôi đến để thăm lại các gốc đào đã đặt xem cần chỉnh sửa gì không và khoảng 20/12 âm lịch tôi sẽ mang cây đào này về chơi Tết", anh Quận nói.
Ở phường Đình Bảng, gia đình ông Nguyễn Kim Hồi là một trong những hộ trồng đào có "thâm niên". Ông Hồi tâm sự, Tết là vụ quan trọng nhất trong năm, vì đây là thời điểm quyết định đến sự thành bại của cả một vụ đào nên đòi hỏi người trồng phải tỷ mỉ từng công đoạn. Người trồng đào ở Đình Bảng quan niệm, đào không cần cây to mà chỉ cần thế đẹp, nụ to, đều, đặc biệt là nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Nhiều năm trở lại đây, cùng với đào Nhật Tân, đào Đình Bảng đang dần khẳng định được thương hiệu "riêng" trong lòng "người chơi" đào gần xa. Vì thế, mỗi dịp Tết làng đào Đình Bảng lại tấp nập khách tham quan, mua đào.
Để xây dựng "thương hiệu" cho đào Đình Bảng, theo Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng Ngô Tạo Lợi, thời gian tới, địa phương tiếp tục tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân, khuyến khích người dân tiếp tục phát triển nghề trồng hoa cây cảnh, trong đó trọng tâm là nghề trồng đào. Đây là giải pháp vừa phát triển được nghề truyền thống của địa phương, vừa giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Về lâu dài, phường Đình Bảng sẽ tiếp tục bố trí kinh phí làm đường, hệ thống thủy lợi xung quanh các khu trồng đào để người dân thuận lợi trong việc sản xuất, kinh doanh đào.