Công nhân thủy điện Cốc San nạo vét bùn đất tràn vào thủy điện. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Không chỉ gây thiệt hại về người, nhà ở và hoa màu, mưa lũ còn phá hủy nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống viễn thông, hệ thống điện bị gãy cột, đứt đường cáp; trạm BTS và trạm biến áp cháy, hỏng trạm bơm nước… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất sinh hoạt của đa số cư dân thành phố Lào Cai và khu vực lân cận. Trong những ngày qua, công tác khắc phục của các cấp chính quyền và người dân đang được khẩn trương tiến hành.
Trận lũ đã làm hỏng toàn bộ hệ thống điện, 2 máy phát điện và 8 máy bơm cung cấp nước cho hệ thống lọc của Chi nhánh cấp nước số 1 thành phố Lào Cai ở khu vực suối Ngòi Đum (Nhà máy nước Cốc San), khoảng 20.000 khách hàng ở các xã, phường phía Nam thành phố Lào Cai của Công ty cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng. Đến nay, sau 3 ngày xảy ra trận lũ, hàng nghìn hộ dân phía Nam thành phố vẫn đang thiếu nước sạch.
Hầu hết khu vực nhà đặt máy bơm và hệ thống điều khiển điện của Nhà máy nước sạch Cốc San đã bị bùn đất làm hỏng. Tại đây, các kỹ sư và công nhân đang chạy đua với thời gian để dọn vét bùn, rửa máy bơm và thay thế các bộ phận điều khiển điện bị hỏng. Được biết, trong những ngày qua, để bù đắp lượng nước thiếu hụt khi Nhà máy nước Cốc San bị hư hỏng, Công ty cổ phần cấp nước Lào Cai đã tăng công suất tại 2 Nhà máy nước ở phường Lào Cai và khu vực Cam Đường. Song cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của người dân ở các khu vực thấp, còn các hộ dân ở khu vực cao, áp lực nước yếu nên vẫn chưa có nước sạch dùng.
Sáng 8/8, Chi nhánh cấp nước số 1 thành phố Lào Cai đã đưa vào hoạt động thêm 2 máy bơm nước cho hệ thống lọc. Công nhân chi nhánh đang tập trung khắc phục sự cố ở Nhà máy nước Cốc San để đưa hệ thống lọc nước ở đây hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Trận mưa lũ kinh hoàng diễn đã khiến hệ thống đường dây truyền tải điện trên địa bàn huyện Bát Xát bị hư hỏng nặng, gãy đổ 7 cột điện trung thế, 10 cột điện hạ thế, kéo đứt gần 1.000 m đường dây truyền tải điện, đồng thời khiến nhiều trạm biến áp và công tơ điện bị ngập nước. Ngay sau khi xảy ra các sự cố do mưa lũ, Điện lực Bát Xát đã huy động toàn bộ lực lượng với hơn 40 cán bộ, công nhân viên chia làm 3 tổ công tác đến các “rốn lũ” là 2 xã Quang Kim và Phìn Ngan để triển khai các biện pháp khắc phục sự cố. Các kỹ sư đã nhanh chóng tách trạm biến áp bị hỏng ra khỏi hệ thống và thực hiện phương châm, nước rút đến đâu, khắc phục ngay đến đó; ưu tiên khôi phục cấp điện cho những khu vực quan trọng như: Bệnh viện, trạm y tế, trụ sở UBND các xã…
Với sự nỗ lực cao nhất của ngành điện, các sự cố đã tạm thời được khắc phục, điện đã được cấp phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, để khôi phục lại toàn bộ lưới điện trên địa bàn như ban đầu, ngành điện cần thêm thời gian và những khoản đầu tư không nhỏ.
Trung tâm y tế dự phòng các địa phương hiện đang tiến hành phun khử trùng phòng chống dịch bệnh cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp sau lũ. Tại thành phố Lào Cai, đội vệ sinh phòng dịch trung tâm y tế thành phố đã phun được cho 150 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh Lào Cai tổ chức chiều 8/8, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hỗ trợ bà con khắc phục mưa lũ, tỉnh Lào Cai đã đề nghị Chính phủ cấp 200 tấn gạo hỗ trợ cho khoảng 500 hộ dân chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Tỉnh đề nghị Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vay vốn để phát triển lại sản xuất nông nghiệp. Thành phố Lào Cai đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ toàn bộ giống lúa cho người dân gieo cấy lại sau lũ vì hiện vẫn đang ở trong khung thời vụ. Các huyện đã thống kê và lên kế hoạch hỗ trợ vốn cho các hộ dân mua trâu mới do đã bị nước lũ cuốn trôi (56 con).
Tỉnh Lào Cai và các huyện đã thống nhất được việc tổ chức tái định cư cho 35 hộ dân bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa và tiếp tục đưa một số hộ dân khác ra khỏi khu vực nguy hiểm vì hiện vẫn đang trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, trên Quốc lộ 4D bị sạt lở hiện công tác khắc phục vẫn đang được tiến hành và phải mất thêm một số ngày nữa mới có thể cơ bản khắc phục.
Ngoài ra, tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Sa Pa đã báo cáo về việc người dân có thông tin về việc tại xã Trung Chải có một số điểm bị sụt lún bất thường, có dấu hiệu đứt gãy tiểm ẩn nhiều nguy cơ cho người dân trong khu vực, nhất là khu vực cua ba tầng. Đây là khu vực không bị sạt lở trong trận lũ vừa qua và hiện có hơn 200 hộ dân đang sinh sống.