Đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng thông tin điện tử tra cứu Mã bưu chính Quốc gia. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết: Việc triển khai ứng dụng mã bưu chính quốc gia nhằm đem lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, hệ thống mã bưu chính quốc gia còn là nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chỉ bưu chính, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo Quyết định số 2475/QĐ-BTTTT về việc ban hành Mã Bưu chính quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 29/12/2017, mã bưu chính quốc gia gồm 5 ký tự được sử dụng để xác định các loại đối tượng sau: Phường, xã và đơn vị hành chính tương đương; điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ thuộc mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành mã bưu chính quốc gia và thống nhất quản lý trên toàn quốc không những đáp ứng nhu cầu sử dụng chung nguồn tài nguyên của các doanh nghiệp bưu chính trên thị trường mà còn phục vụ cho các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau trong xã hội thông qua việc kết nối dữ liệu như quản lý hành chính, hỗ trợ chương trình tìm kiếm cứu nạn, xây dựng bản đồ số gắn với Mã bưu chính…
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính, việc tra cứu và ghi mã bưu chính trên các bưu kiện được gửi sẽ giúp cho quá trình chuyển, phát được nhanh chóng, chính xác, an toàn tới địa chỉ người nhận. Đồng thời, các doanh nghiệp bưu chính sẽ sử dụng công nghệ thông tin và sử dụng các máy móc, thiết bị tự động giúp cho việc chia chọn, xử lý bưu kiện được tối ưu hóa về thời gian, độ chính xác, góp phần tăng năng suất lao động. Ngoài ra, việc sử dụng mã bưu chính để quản lý, đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp ngành bưu chính nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, tổng số mã bưu chính của Việt Nam đã được gán là 21.405 mã, cho các đối tượng gán mã gồm: 11.093 phường, xã và đơn vị hành chính tương đương; 3.7 điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; 6.544 điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ của mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; 206 cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Số lượng mã dự trữ 78.595 mã. Thông tin về mã bưu chính được đăng tải trên địa chỉ http://mabuuchinh.vn; http://postcode.vn.
*Theo thống kê của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) hiện có 174 quốc gia đã ban hành và sử dụng mã bưu chính quốc gia. Mã bưu chính quốc gia có độ dài 5 ký tự là phổ biến nhất và có 69 nước đang sử dụng. Nhiều nước có diện tích rộng, dân số lớn, nhiều đơn vị hành chính (như Đức, Italy, Indonesia, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ…) cũng sử dụng mã dài 5 ký tự…