Theo Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) Đoàn Thanh Hưng, địa phương đã di dời gần 600 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu sống tại 4 ấp ven biển: Cầu Mống, Đèn Đỏ, Cây Bàng và Tân Phú vào nơi an toàn, phía sâu trong đất liền.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đó, công tác ứng phó với bão số 9 đã được tỉnh triển khai cơ bản hoàn tất với những giải pháp quyết liệt.
Do đây là cơn bão có diễn biến phức tạp nên các cấp, ngành và nhân dân địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển Gò Công cần hết sức đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).
Các địa phương cần thực hiện các giải pháp khẩn cấp: Kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa khu vực nguy hiểm mà ngành chức năng đã cảnh báo, tuyệt đối nghiêm cấm tàu thuyền và phương tiện ra khơi, nhân dân khu vực ven biển khẩn trương chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang, tổ chức di dời những hộ dân ngoài đê và khu vực không an toàn vào nơi an toàn… cũng như kiểm tra cơ sở vật chất những nơi dự kiến sơ tán dân đến, trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng kiểm tra, yêu cầu người dân giữ các chòi canh nuôi trồng thủy sản khẩn trương vào nơi an toàn, tổ chức bắn pháo hiệu theo diễn biến bão để ngư dân biết, chủ động đối phó.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, sáng hôm qua (24/11), địa phương đã kêu gọi toàn bộ toàn bộ các phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.
Cũng trong ngày 24/11, tỉnh đã đưa trên 200 bộ đội đến gia cố bảo vệ đê biển xung yếu Gò Công thuộc địa bàn xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông.