Ngày 20/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công văn số 518 về ứng phó với triều cường tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng áp thấp trên Biển Đông, đề nghị ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ chủ động ứng phó với triều cường và vùng áp thấp.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay đang xuất hiện đồng thời vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi Nam Bộ và triều cường trên các sông ở Nam Bộ. Theo đó, vùng áp thấp có vị trí lúc 1h ngày 20/10 ở khoảng 8,0 - 9,0 độ Vĩ Bắc; 104,5 - 105,5 độ Kinh Đông gây mưa dông mạnh, sóng biển cao từ 1 đến 2m trên khu vực vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan, biển động.
Ngoài ra trong những ngày tới, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 25-27/10, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Để chủ động ứng phó kịp thời với vùng áp thấp và triều cường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiên: Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chễ các bản tin về vùng áp thấp trên biển Đông và triều cường, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đồng thời, thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, phòng chống điện giật, đuối nước… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại khu vực đông dân cư bị ngập nước.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức cắm biển cảnh báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông; duy trì các chốt cứu hộ cứu nạn tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống tai nạn có thể xảy ra.
Chủ động gia cố các khu vực có hệ thống đê bao, bờ bao thấp, không đảm bảo an toàn; tổ chức tuần tra canh gác, chuẩn bị, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay từ giờ đầu sự cố đê bao, bờ bao, sạt lở.
Chủ động các phương án phòng chống ngập úng, vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là đối với khu dân cư, diện tích cây ăn trái, khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập. Sẵn sàng lực lượng, phương triện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.