Dọc bờ biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi rác tràn ngập mọi nơi, từ trên bờ xuống dưới biển. Theo người dân địa phương, sóng lớn và triều cường mạnh đã cuốn theo các lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca (Cửa Sa Kỳ) rồi đẩy vào Bãi Sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ các nhánh sông, luồng lạch tại các xã: Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Bình Châu (huyện Bình Sơn) mang theo một lượng rác lớn rồi tấp vào, biến khu vực trên thành bãi rác.
Ông Nguyễn Cư (thôn An Vĩnh) cho hay, năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi lần mưa lũ, rác thải sinh hoạt theo các con sông trôi về biển rồi lại bị tấp vào bờ. Ngoài rác thải nhựa khó phân hủy còn có cả xác chết động vật nên mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều nhà dân khu vực này phải đóng cửa cả ngày để tránh mùi hôi thối từ bờ biển xộc vào.
Cũng giống như vùng biển Tịnh Kỳ, ven biển xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) đâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi. Khi triều cường lên, sóng biển cuốn những bãi rác này ra khơi. Sau đó, rác lại theo con sóng tấp ngược vào bờ và các khu dân cư dọc biển. Bên cạnh rác từ thượng nguồn các con sông đổ về còn có rác do người dân địa phương đổ ra.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Trưởng thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, để hạn chế rác thải tràn ngập khắp nơi, người dân của thôn thường xuyên thu gom rác để đốt. Rác thải chủ yếu là các loại túi ni-lông, nhựa nên khi đốt sẽ có mùi hôi, khét, không tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu không đốt thì không còn cách nào khác vì các tuyến đường xuống bãi biển ở đây rất hẹp, các loại xe chở rác không thể đến để thu gom.
Tại các địa phương ven biển khác như xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, bờ kênh cảng cá cũng ngập rác thải. Dù các đơn vị chức năng, địa phương đã nhiều lần tổ chức thu gom, song chưa xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm rác thải dọc bờ biển. Tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ biển ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ cầu Trà Bồng đến cuối bãi biển thôn Sơn Trà có chiều dài khoảng 1,5 km. Địa phương nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng nên rác theo dòng nước đổ ra biển, triều cường cuốn rác tập kết vào các bãi biển. UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời nhiều lần tổ chức ra quân thu gom, xử lý rác. Tuy nhiên, đến nay Bình Đông vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm dọc bãi biển.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cho rằng để xảy ra tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường trước hết là trách nhiệm của UBND xã. Tuy vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, xã không đủ kinh phí. Xã đề nghị chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khu vực thượng nguồn các dòng sông không vứt rác bừa bãi, tăng cường nhân lực, tăng số lượng xe và tần suất thu gom rác, cho người dân ký cam kết không đổ rác bừa bãi, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải.
Với 130 km chiều dài bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Thế nhưng, lợi thế ấy đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi rác thải. Những thứ rác thải, nhất là các loại túi nilon, chai nhựa… đang khiến một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương phải tăng cường ra quân, xử lý thu gom rác trên biển, nhất là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường; làm sao cho người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính mình, gia đình, quê hương, đất nước mình. Ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân bắt đầu từ những việc bình thường nhất trong sinh hoạt hằng ngày như: Sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước; không vì mục đích kinh tế mà đánh đổi môi trường; thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, giảm dần việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế thải chất thải rắn, nước thải, chất thải ô nhiễm ra môi trường đất, nước, không khí. Tỉnh tiếp tục phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào dọn vệ sinh, môi trường, nhất là các khu vực công cộng, khu du lịch, môi trường biển, bãi biển, trồng thêm nhiều cây xanh, bồn hoa, cây cảnh; có chính sách khen thưởng hợp lý đối với những người làm tốt công tác bảo vệ môi trường; đồng thời mỗi người dân đều là người giám sát, lên án, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường...