Các lò gạch thủ công vốn tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thế nhưng, với những tác động tiêu cực, việc xóa lò gạch thủ công nhận được sự ủng hộ của người dân và chính quyền cơ sở. Song, vấn đề đặt ra là, nếu xóa lò gạch thủ công thì một lượng lớn lao động sẽ làm gì để đảm bảo cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thảo, công nhân lò gạch xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành chia sẻ, cá nhân chị cũng như nhiều công nhân đang làm việc ở đây cũng ủng hộ việc xóa các lò gạch thủ công. Nhưng người lao động mong chính quyền hỗ trợ trong vấn đề việc làm vì nhiều lao động bao nhiêu năm nay chỉ có nghề làm thuê cho các lò gạch.
Điểm sản xuất gạch thủ công cạnh sông Vệ, huyện Tư Nghĩa vẫn nhả khói liên tục ngày đêm. Ảnh: Vĩnh Trọng/TTXVN |
Đi dọc ven sông Vệ đoạn qua thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa); xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, từ xa đã thấy khói bay lên từ hàng chục lò gạch thủ công. Quanh mỗi lò gạch, đều thấy chung một hình ảnh là người người vẫn cố gắng đóng gạch, chuyển gạch ra, vào lò nung, khói lò bay mịt mù. Điều đáng nói là các lò gạch này đều năm xen kẽ trong các khu dân cư nên người dân rất bức xúc về vấn đề ô nhiễm. Nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan cấp trên nhưng các lò gạch vẫn chưa chấm dứt hoạt động.
Anh Võ Công Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, cho biết, xóa các lò gạch thủ công là vấn đề cần phải thực hiện. Hiện nay địa phương còn 39 lò gạch của 23 hộ, với khoảng 400 lao động đang hoạt động tại các lò gạch. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền, vận động thì sẽ rất khó để các chủ lò gạch này tự ngừng hoạt động. Vì vậy, xã đã trình lên cấp trên để có cơ chế hỗ trợ cho các chủ lò cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động địa phương. Nếu các lò gạch còn hoạt động thì xã sẽ không thể hoàn thành mục tiêu nông thôn mới vào cuối năm 2017 này.
Tháng 9/2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định 222 về việc triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, trước năm 2013, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công trong khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, khu vực gần khu dân cư… tại các huyện đồng bằng. Trước năm 2014, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công tại các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng.
Dù các sở ngành và địa phương liên quan đã tích cực phối hợp để xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, nhưng sau nhiều năm “gian nan”, kết quả không như mong đợi. Nếu như trước đây, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 400 lò gạch thủ công, thì đến nay vẫn còn 243 lò gạch thủ công, mới chỉ giảm 157 lò.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi lý giải, đến nay vẫn chưa xóa bỏ được các lò gạch thủ công là do sự phối hợp và vào cuộc của các sở ngành và địa phương liên quan chưa đồng bộ, chưa quyết liệt; chưa có biện pháp ngăn chặng triệt để việc vận chuyển cung cấp đất sét được tận thu từ hoạt động cải tạo đồng ruộng cho các lò gạch thủ công. Đối với các lò gạch đã ngưng hoạt động thì vẫn chưa chưa tháo dỡ triệt để, dẫn đến một số chủ lò gạch hoạt động trở lại khi chưa tìm được việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng sản phẩm gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công, nhất là người dân ở vùng nông thôn. Vì vậy, để thực sự xóa bỏ được các lò gạch thủ công thì UBND tỉnh cần có sự hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các chủ lò cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động.
Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công nhằm để hiện đại nghề làm gạch, hạn chế sự ô nhiễm môi trường là một chủ trương đúng. Tuy vậy, với một địa phương có số lượng lò gạch thủ công lớn thì có nhiều vấn đề được đặt ra bởi xóa nghề làm gạch thủ công, những chủ lò khó có thể xây dựng lò gạch không nung vì vốn đầu tư một cơ sở gạch này tốn hàng chục tỷ đồng, gấp nhiều lần lò gạch thủ công. Như thế cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động ở lò gạch thủ công sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Đây là nỗi lo không chỉ của người lao động mà cả chính quyền địa phương.