Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh còn 142 lò gạch thủ công, trong đó có 140 lò vòng và 2 lò đứng tập trung chủ yếu ở các huyện: Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán, Xuân Lộc và thành phố Biên Hòa. Các lò gạch thủ công này sử dụng nguyên liệu đốt chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp như: vỏ trấu, gỗ tạp, vỏ cây…
Lò gạch thủ công đang “nhả khói” tại xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 60 lò gạch thủ công chưa có cam kết bảo vệ môi trường.
Các lò gạch này sử dụng nguyên liệu đốt là củi, vỏ điều, vải vụn, mồi lửa bằng lốp xe, cao su và nguyên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, nhiều chủ lò gạch thủ công mặc dù đã ký cam kết không sử dụng chất đốt gây ô nhiễm môi trường nhưng trong quá trình vận hành vẫn sử dụng.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, chậm nhất trong năm 2018 toàn tỉnh phải giải quyết dứt điểm các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Đối với những lò gạch thủ công sử dụng chất đốt là hóa thạch (than đá), cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, yêu cầu dừng hoạt động ngay. Nếu phát hiện lò gạch nào vi phạm, cơ quan chức năng sẽ có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động; trường hợp các chủ lò gạch cố tình không chấp hành sẽ có những biện pháp cưỡng chế hoạt động của lò gạch thủ công đó.
Theo ông Trần Văn Vĩnh, những lò thủ công đốt bằng trấu, củi, được cấp phép hoạt động phải đảm bảo đảm bảo an toàn lao động, đất sử dụng để làm gạch có nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt cách xa khu dân cư có thể xem xét, điều chỉnh chưa buộc phải đóng cửa ngay.
UBND tỉnh Đồng Nai khuyến khích các chủ lò gạch thủ công nên chuyển đổi sang cách làm gạch không nung, gạch tuynel. UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Xây dựng Đồng Nai hướng dẫn các chủ lò gạch thủ công có nhu cầu chuyển đổi cách làm gạch vào các khu làm gạch tập trung cách xa khu dân cư, đảm bảo về môi trường để sản xuất.