Gây khó cho người dân, doanh nghiệp
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương và Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành về việc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh và thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương sớm sửa đổi quy định liên quan đến Thông tư 21 về kiểm tra hàm lượng formaldehy đối với các sản phẩm dệt may.
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại diện cho hơn 6.000 doanh nghiệp trong cả nước, đã có ý kiến cần xem xét lại sự bất hợp lý của quy định này, gây khó khăn và tốn kém chi phí để tuân thủ. Cụ thể là tỉ lệ vi phạm giới hạn về hàm lượng formaldehy là rất nhỏ, trong khi cách thức kiểm tra của Bộ Công Thương đưa ra là thực hiện 100%.
Tương tự, Thông tư 26/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ có hiệu lực từ ngày 15/12/2013. Trong đó có 35 công việc được cho là có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con như trực tiếp nấu chảy và rót kim loại nóng chảy; các công việc phải mang vác trên 50 kg; khảo sát đường sông ở những vùng có thác ghềnh cao, núi sâu nguy hiểm; công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước, công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ...
Khi Thông tư này ra đời đã vấp phải sự phản đối của người dân và các đơn vị sử dụng lao động, bởi nhiều nữ công nhân có sức khỏe tốt, không mang thai hoặc đang không nuôi con nhỏ, mong muốn được làm những công việc này nhưng lại bị từ chối chỉ vì người thuê lao động không muốn vi phạm pháp luật.
Đại diện Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, Thông tư chỉ có tác dụng với đơn vị có ký hợp động lao động và hướng tới bảo vệ sức khỏe phụ nữ; đồng thời hứa sẽ tiếp thu sửa đổi, nhưng từ đó đến nay vẫn không sửa đổi.
Các Quyết định 33/BYT năm 2008 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là: Vòng ngực trung bình dưới 72 cm thì không được cấp bằng lái xe A1 cũng đã bị bãi bỏ do sự bất hợp lý. Hay gần đây, nhiều doanh nghiệp đang phàn nàn về quy định giờ làm thêm bị bó hẹp. Việc giảm giờ làm thêm trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sẽ làm gia tăng gánh nặng, từ đó gây tác động xấu tới doanh nghiệp và nền kinh tế...
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, đại diện công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết: Có không ít quy định hầu như không được áp dụng trên thực tế. Đơn cử như Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Theo đó, hành vi vứt, thải rác sinh hoạt nơi công cộng, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mặt; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định; hút thuốc lá, vứt mẫu thuốc lá và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng… bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng, nhưng nhiều người vẫn vô tư vi phạm...
Đó là chưa kể các quy định “đá” lẫn nhau như Công văn242/BVHTTDL-TCCB ngày 22/1/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải thích Nghị định105/2012/NĐ-CP về việc tổ chức tang lễ của Nhà nước. Theo giải thích của Công văn, việc rải vàng mã trong các đám tang Nhà nước chỉ bị hạn chế và khuyến khích không thực hiện. Giải thích này ngược hoàn toàn với quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định105/2012/NĐ-CP về việc không rải vàng mã trong các đám tang.
Nâng cao chất lượng văn bản luật
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành với nội dung không khả thi, không phù hợp với thực tiễn, xung đột với các quy định khác và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhiều đối tượng trong xã hội. Nhiều bộ, ban, ngành còn ban hành văn bản quy phạm pháp luật với những quy định vô thưởng vô phạt, thậm chí nhiều lúc còn không thể thi hành được.
Đơn cử như các trường hợp quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ghi tên các thành viên hộ gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2017) đã "chết yểu" ngay khi chưa có hiệu lực thi hành. Trước đó, quy định "bán thịt trong vòng 8 giờ" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2012 cũng bị phản đối kịch liệt vì thiếu thực tế với điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân...
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico thừa nhận, chính ông "là chuyên gia hàng mấy chục năm, nhưng vẫn hoang mang khi giở luật". Vấn đề theo ông là "lỗi hệ thống" và một trong những điều quan trọng là "năng lực của người làm luật”. Cụ thể, như việc sửa nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được nâng lên đặt xuống tới 10 lần, nhưng tới nay vẫn chưa biết con số cuối cùng là bao nhiêu.
Theo các chuyên gia về pháp lý, nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các quy định được xây dựng, ban hành theo ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành, bỏ qua việc đánh giá tình hình, thực trạng trong thực tế. Việc tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là điều quan trọng nhất để xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, gắn liền với thực tiễn xã hội. Trong đó, việc lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu tác động là bước đi tất yếu để luật không xa rời cuộc sống, thúc đầy nền kinh tế xã hội phát triển.
Tuy nhiên, việc lấy ý kiến của người dân, chuyên gia trong lĩnh vực đôi khi cũng gần như không được thực hiện. Nhiều cơ quan soạn thảo sử dụng các quy định tham khảo từ các quốc gia khác một cách thiếu chọn lọc, dẫn đến quy định không phù hợp với thực tiễn. Hệ quả là quy định vừa ban hành đã khiến dư luận phản ứng và cơ quan ban hành phải vội vàng hủy bỏ hoặc thay thế, bổ sung, sửa đổi bằng một quy định khác. Điều này kéo theo sự lãng phí lớn, khi mà xã hội liên tục phải thay đổi trong một thời gian ngắn theo các quy định đó.
“Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi khi đưa vào đời sống, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ theo đúng quy trình và được thực hiện theo các bước bắt buộc. Việc tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là điều quan trọng nhất để xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, gắn liền với thực tiễn xã hội. Trong đó, việc lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu tác động là bước đi tất yếu để luật không xa rời cuộc sống, thúc đầy nền kinh tế xã hội phát triển”, luật sư Nguyễn Thế Truyền nhận định.