Nặng gánh mưu sinh khi con nước không về

Vào khoảng tháng 7 âm lịch mọi năm, con nước đã tràn về phủ trắng các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười. Thế nhưng năm nay, dù đã bước sang tháng 8 âm lịch vẫn chưa có tín hiệu cho thấy nước sẽ về.

Thực tế đó đồng nghĩa với gánh nặng mưu sinh đang đè trên đôi vai của hàng nghìn con người vùng lũ Đồng Tháp Mười.

Chú thích ảnh
Quăng lưới bắt cá tại kênh Tứ Thường 2, đoạn chảy qua ấp 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng (Long An) vốn là vùng thấp trũng nhất ở khu vực Đồng Tháp Mười. Những năm trước đây, khi con nước tràn về thì hầu như tất cả đều ngập, từ đồng ruộng, nhà cửa, trường học… Hàng trăm hộ dân ở đây cũng bám theo con nước mưu sinh, người giăng lưới thả câu, người đặt dớn, đặt lợp… Mỗi ngày bám theo con nước có khi kiếm được cả triệu đồng, mỗi mùa nước nổi thu nhập cũng đủ cho những nhu cầu thiết yếu của một gia đình miền quê nghèo.

Thời điểm này năm trước, 3 cha con anh Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, Long An) đặt hơn một nghìn cái lợp, mỗi người thu về cả triệu đồng mỗi ngày. Còn năm nay con nước chưa về, phần lớn số lợp của gia đình anh vẫn đang được xếp gọn ở một góc nhà. Hai người con trai của anh phải đi kiếm việc làm khác ở xa, người thì làm công nhân, người đi phụ hồ ở tận Vũng Tàu. Chỉ mình anh Nghĩa đặt hơn trăm cái lợp kiếm sống qua ngày.

“Nước trên ruộng không có, kênh thì chỉ có mấy đoạn mà nhiều người đặt nên muốn đặt nhiều lợp cũng không có chỗ. Tui chỉ đặt được hơn trăm cái lợp ở dọc mấy đoạn kênh, miệng cống. Hai ngày đi đổ một lần cũng chỉ kiếm được 2-3 trăm nghìn đồng”, anh Nghĩa cho biết.

Nằm trên chiếc võng đong đưa nhìn về phía dòng kênh khô cạn, anh Lâm Văn Đẳng (cùng ngụ xã Vĩnh Đại) tiếp thêm câu chuyện về con nước với chúng tôi. Anh Đẳng cho biết: “Làm nghề đặt lợp cả mấy chục năm rồi mà chưa năm nào như năm nay. Mọi năm, rằm tháng 7 là con nước đã phủ trắng các cánh đồng, tôm cá đầy rẫy. Năm nay đã đến tháng 8 rồi mà vẫn chưa thấy nước đâu. Tui mới làm thêm 300 cái lợp hết hơn chục triệu đồng để đợi nước về rồi đi đặt cá. Thế mà đến tận bây giờ vẫn chưa thấy đâu, mấy cái lợp làm xong rồi cũng xếp để đó chứ có chỗ đâu mà đặt. Mấy năm trước nước lớn, đặt cỡ 400- 500 cái lợp thì ngày nào cũng kiếm được từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, giờ đặt hơn trăm cái, ngày nào có cá thì mới được hơn trăm nghìn. Coi như  mùa nước năm nay thất thu”.

Dù nói vậy, nhưng anh Nghĩa, anh Đẳng hay những người dân khác đang sống dựa vào con nước vẫn khắc khoải mong nước về từng ngày. Mỗi ngày họ đều theo dõi thông tin trên báo, đài để biết mực nước. Bởi với họ, có nước là có tiền.

Lợp, lưới, dớn… là những ngư cụ mưu sinh gắn với người dân vùng lũ bao đời nay, mang đến con tôm, con cá, mang lại miếng cơm manh áo, cuộc sống no đủ. Vậy mà giờ đây, những ngư cụ đó đều được xếp gọn gàng vào mỗi góc nhà. Đi với đó là cảnh túng thiếu, khốn khó của nhiều hộ gia đình. Không thể mưu sinh đồng nước, dân nghèo vùng lũ phải bôn ba đi làm thuê làm mướn kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Người đi làm công nhân, người bán vé số hay làm phụ hồ, người ở lại thì cố gắng bám theo các dòng kênh để giăng lưới, thả câu với hy vọng kiếm thêm ít đồng sinh sống…

Quăng một mẻ chài trên dòng kênh 28, hai vợ chồng anh Huỳnh Minh Dương (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, Long An) chỉ thu về được vài con cá nhỏ, có mẻ còn không có con nào. Anh Dương cho biết: “Giờ không có nước nên phải chài ven dòng kênh này. Hai vợ chồng đi chài từ sáng cho đến xế chiều mà giỏi lắm chỉ kiếm được 4-5kg cá, bán chưa đầy 200.000 đồng. Cá không có nhưng cũng phải làm chứ biết làm gì mà sống. Mấy năm trước nước về, cá nhiều thì kiếm mỗi ngày 500.000 đồng, còn năm nay thì chỉ có vậy”.

Dọc theo kênh 79 (huyện Tân Hưng, Long An) hay kênh 28 (huyện Vĩnh Hưng, Long An), con nước vẫn còn nằm sâu dưới lòng kênh. Những cánh đồng không phủ trắng nước như những năm trước mà vẫn xanh màu cỏ sau mùa gặt. Có chăng chỉ thi thoảng bắt gặp vài vũng nước mưa đọng lại. Nước không về, ruộng đồng khô khốc, kéo theo đó là gánh nặng mưu sinh đè trên đôi vai của hàng ngàn con người bao đời sống theo con nước. 

Ở miền Tây, lũ về không hung dữ như miền nùi phía Bắc hay miền Trung, mà mỗi khi con nước hiền hoà kéo về sẽ mang lại nhiều sinh kế cho người dân, người thì giăng câu, đánh cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước… Đó là những sản vật trời ban, giúp người dân nghèo có thêm thu nhập để cho con cái đi học, mua sắm ít vật dụng trong gia đình… Con nước về cũng mang theo phù sa bồi tụ, giúp ruộng đồng tẩy rửa những chất phèn độc, góp phần cho vụ mùa mới bội thu. Sống bao đời, người dân thừa biết được rằng năm nay con nước không về thì vụ mùa tới cũng thất thu. Bởi vậy, trong thâm tâm mỗi con người vùng lũ ai cũng lo lắng khi nước không về. Ai cũng mong chờ con nước về tràn bờ, bởi khi đó họ sẽ lại quay về kiếm tiền trên mảnh đất quê hương mình.

Nếu nước không về, mùa lũ không có không chỉ khiến những người quen nghề mưu sinh theo con nước khốn khó, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ, vấn đề quan trọng nhất khi miền Tây không có lũ là tình trạng thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp và giữ đất. Ruộng đồng không có nước lũ sẽ ảnh hưởng đến việc rửa phèn, rửa tạp chất trong đất, gây ra nhiều loại sâu bệnh, thiệt hại trong canh tác nông nghiệp, nhất là trồng lúa. Đồng thời, nếu lượng nước ngọt không đủ, nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến trồng trọt, sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt. 

Hiện tại, mực nước ở các vùng đầu nguồn đang ở rất thấp. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước đo được ngày 29/8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu (An Giang) là 2,18m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc (An Giang) là 1,98m. Dự báo trong những ngày tới mực nước sẽ lên nhanh, đến ngày 3/9 đạt khoảng 2,5m (tại Tân Châu) và 2,15m (tại Châu Đốc). Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợn miền Nam thì năm nay, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lũ sẽ rất nhỏ, mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu chỉ vào khoảng 3 – 3,5m. Lũ về nhỏ, đồng nghĩa với việc xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm hơn 1-2 tháng so với trung bình nhiều năm, hạn hán và thiếu nước có thể xảy ra vào mùa khô 2019 – 2020. 

Những nguy cơ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân vùng sông nước Cửu Long. Người dân nơi đây đã và đang phải đối mặt với những khó khăn khi con nước không về hoặc về quá nhỏ.

Bùi Giang (TTXVN)
Bà con đầu nguồn Đồng Tháp ngóng lũ về
Bà con đầu nguồn Đồng Tháp ngóng lũ về

Hàng năm, cứ đến rằm tháng 7 âm lịch là nước lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Thế nhưng, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến rằm tháng 7 mà mực nước sông ở các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình vẫn còn thấp. Bà con vùng thượng nguồn đang ngóng lũ đổ về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN