Đối mặt nguy cơ với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Ngày 21/3, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Thông báo số 172-TB/TW Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thông báo nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. Kết quả thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn, sớm ổn định và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 21/3, Bộ Y tế công bố: Thêm 3 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Trong số này, có 2 ca là du học sinh từ Pháp và Hungari, 1 ca là bệnh nhân nữ 64 tuổi đi thăm người nhà tại Cộng hoà Séc trở về.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 94 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi (16 ca đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe). Các ca đang điều trị đa số có sức khoẻ ổn định, hai ca nặng đang được tích cực điều trị.
Cũng trong ngày 21/3, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 118/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Nội dung thông báo nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa việc lây lan ra cộng đồng, tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp cụ thể, trong đó có tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...)...
Tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh đối với tất cả các trường hợp mang Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020. Giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh cả đường biển, đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không.
Tiếp tục vận động, khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài (học sinh, sinh viên, người lao động, Việt kiều) hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại.
Thực hiện cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở…) của các đối tượng cách ly. Bộ Công Thương chỉ đạo việc sản xuất khẩu trang, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và dành một phần xuất khẩu; cùng các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế xem xét, đề xuất cụ thể, trước mắt, xem xét việc nhà nước mua khẩu trang để viện trợ, hỗ trợ cho các quốc gia có đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Thủ tướng đồng ý để Bộ Quốc phòng mua sớm 10 xe xét nghiệm lưu động như đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia.
Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế
Trong ngày 21/3, Bộ Y tế đã ra thông báo gửi những người đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 1/3 đến nay, yêu cầu phải thực hiện tự cách ly, khai báo y tế, đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Cụ thể, các trường hợp này (cả người Việt Nam và nước ngoài) phải thực hiện 4 công việc: Thực hiện khai báo y tế tại địa chỉ sau: https://tokhaiyte.vn; Thực hiện tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú (nếu chưa cách ly tập trung) trong vòng 14 ngày kể từ ngày về Việt Nam. Đối với trường hợp đã qua 14 ngày, hạn chế tiếp xúc với người khác; Luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát trùng và thực hiện các biện pháp dự phòng khác. Liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.
Cũng trong ngày 21/3, Bộ Y tế ban hành công văn số 1435/BYT-TT-KT về việc phát động Phong trào thi đua "Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19" nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Theo đó, Bộ Y tế huy động toàn bộ lực lượng trong ngành y tế, y tế Nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”.
Các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành y, dược; các Viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, các thầy cô giáo và các sinh viên ngành y dược… cũng được kêu gọi, tăng cường tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh; về chăm sóc bệnh nhân, về giám sát, xét nghiệm phát hiện, về các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Sẵn sàng tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi được phân công.
Các địa phương tích cực triển khai
Sáng 21/3, tại cuộc làm việc của đoàn kiểm tra số 2 của Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận và ngành chức năng cần tập trung triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 với mức độ cao hơn, quyết liệt hơn, cách thức triển khai cũng phải thay đổi để phù hợp với thực tế, diễn biến dịch bệnh. Mặc dù chưa có bệnh nhân thứ phát nhiễm COVID-19 nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm rất cao do số người nước ngoài hiện trên địa bàn đông, nhiều khu chung cư, nhiều trường học, bệnh viện.
Tại TP Hồ Chí Minh, ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với sức chứa hơn 20.000 giường đã được các chiến sĩ quân đội, cán bộ, sinh viên tình nguyện… dọn dẹp ngày đêm để sẵn sàng đón nhận người thực hiện cách ly tập trung về từ vùng có dịch COVID-19.
Tại Bình Thuận, ngày 21/3, hai chốt kiểm soát y tế đối với du khách quốc tế đến điểm du lịch Mũi Né, thành phố Phan Thiết đã đi vào hoạt động nhằm nhanh chóng phát hiện, cách ly kịp thời các du khách có triệu chứng liên quan đến dịch COVID-19.
Ngày 21/3, theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Công an tỉnh đã tiếp nhận và cách ly 28 công dân Việt Nam do Cục Công an huyện Ma Ly Pho, Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trao trả qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang duy trì thực hiện trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch địa bàn giáp ranh với các tỉnh bạn và trên tuyến biên giới Việt - Trung để kiểm tra thân nhiệt tất cả những người ngoài vào tỉnh Hà Giang. Để phòng ngừa, kiểm soát dịch COVID-19, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang đã kiểm tra thân nhiệt, phun thuốc khử trùng trên người và hành lý ngay tại Cửa khẩu trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý.
Còn tại tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, tỉnh đang kêu gọi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cùng các tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhằm kiểm soát kiềm chế dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Theo đó, tỉnh đề nghị các cơ sở thờ tự của các tôn giáo tạm dừng tổ chức lễ hội và nhiều hoạt động tại các di tích văn hóa tâm linh, dừng tổ chức các khóa tu tập, hạn chế tối đa các cuộc lễ lạt tập trung đông người. Đồng thời, tập trung tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường vệ sinh diệt khuẩn tại các cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Qua đó, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho chức sắc, chức việc, tín đồ và du khách.
Trên địa bàn Hưng Yên hiện có hơn 1.000 di tích văn hóa lịch sử và các cơ sở thờ tự. Trong đó có nhiều địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tâm linh thu hút hàng nghìn lượt du khách như: quần thể khu di tích Phố Hiến, đền Phù Ủng, đền Đa Hòa - Dạ Trạch, chùa Nôm... Các lễ hội lớn hàng năm thường được tổ chức là: lễ hội Hải Thượng Lãn Ông; lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung; lễ hội đền Đậu An..
Nhiều bệnh nhân có kết quả âm tính
Thống kê luỹ kế của ngành Y tế, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 94 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi (16 ca đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe).
Tổng hợp về tình hình chung của các bệnh nhân đang điều trị ở các cơ sở cho thấy, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đa số ổn định, không sốt, không ho hoặc ho ít, không khó thở, XQ phổi bình thường; có một vài bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi (dấu hiệu trên phim XQ) đã được điều trị theo phác đồ điều trị viêm phổi.
Trong các cơ sở y tế đang tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 34 trường hợp (có 22 bệnh nhân người Việt, 12 bệnh nhân người nước ngoài), có nhiều bệnh nhân tại đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần với COVID-19, đó là bệnh nhân 17, bệnh nhân số 25, bệnh nhân số 59, bệnh nhân số 72. Riêng bệnh nhân số 24 đã 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính, (lần gần đây nhất là ngày 19/3), bệnh nhân số 27 cũng cho kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính.
Về 2 trường hợp nặng đang điều trị tại đây, một trong 2 trường hợp này do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO. Bộ Y tế đã liên tục tổ chức hội chẩn chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, hô hấp, tim mạch... Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ Hội chẩn chuyên môn gồm 30 chuyên gia đầu ngành để sẵn sàng hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn đối với các trường hợp ca bệnh nặng.
Đến nay, kết quả xét nghiệm của một số bệnh nhân mắc COVID-19 đang cách ly điều trị tại các cơ sở y tế khác cũng đã âm tính từ 1-2 lần, 2 bệnh nhân nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đã 1 lần âm tính. Một bệnh nhân khác cũng có kết quả âm tính 1 lần là bệnh nhân người Anh đang điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Bệnh nhân số 32 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần
Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đối với nam thanh niên, người tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 65, đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.