Người dân cho rằng, tình trạng ô nhiễm kéo dài do ảnh hưởng từ cơ sở thạch dừa đang hoạt động gần khu vực bà con sinh sống.
Ông Đoàn Văn Luyến (ấp Tân Điền 2, xã Sơn Phú) cho hay, tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm nay. Dòng nước tại con kênh luôn đen kịt, đặc quánh, mùi hôi khó chịu xộc lên nồng nặc. Nhà ông có người già và trẻ em liên tục bị bệnh về đường hô hấp. Tình trạng xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Gia đình ông Mai Văn Bé (ở gần đó) cũng chịu cảnh tương tự khi nước kênh bị ô nhiễm. Ông Bé cho hay, trước đây, chính ông là người phát hiện cơ sở thạch dừa xả nước thải ra rạch bằng đường ống ngầm. Ông đã báo với cơ quan chức năng bắt quả tang. Sau khi cơ sở bị xử phạt hành chính, tình trạng ô nhiễm giảm được phần nào. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn các năm trước. Qua theo dõi cho thấy, cơ sở sản xuất thạch dừa xả thải trực tiếp ra rạch vào lúc đêm, hoặc trời mưa để tránh bị người dân phát hiện.
Người dân ở đây rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp dân, gửi đơn tập thể lên các cấp, ngành nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kiệp (nhà sát con kênh) cho biết, kênh ô nhiễm nằm phía sau nhà bà. Trước đây, nước sạch có thể dùng trong sinh hoạt, trồng trọt hay cho gia súc, gia cầm uống. Từ ngày cơ sở sản xuất thạch dừa này xả nước ra ngoài, nước kênh đen ngòm, phía trên mặt là hóa chất trắng xóa gây ô nhiễm rất nặng. Nước hôi thối không thể dùng trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Điền 2 Tạ Bình Dã cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra từ lâu. Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân. Cơ sở này đã bị xử phạt 2 lần, nhưng tình trạng ô nhiễm tại khu vục vẫn không thay đổi, ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau hơn một năm kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ra quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục ô nhiễm môi trường đến nay, tình trạng này vẫn tái diễn. Người dân tiếp tục kiến nghị, khiếu nại.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm, năm 2020, qua phản ánh của người dân, cơ quan chức năng huyện Giồng Trôm kiểm tra và ra quyết định xử phạt hộ ông Phan Tấn Phát (chủ cơ sở sản xuất thạch dừa) 2,5 triệu đồng do hành vi có đầu tư hệ thống xả thải nhưng không vận hành mà xả thải trực tiếp ra môi trường.
Sau đó, người dân tiếp tục khiếu nại do cơ sở lén lút xả nước thải ra ngoài không qua xử lý. Môi trường ở khu vực tiếp tục bị ô nhiễm. Địa phương đã báo cáo vụ việc tới Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bến Tre. Lực lượng chức năng bắt quả tang hành vi tiếp tục xả thải của cơ sở sản xuất thạch dừa này.
Tháng 2/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh Phan Tấn Phát gần 200 triệu đồng với các hành vi vi phạm hành chính gồm: lắp đường ống xả thải khác xả thải ra môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên; chôn, lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 2 tháng; yêu cầu tháo dỡ đối với đường ống lắp đặt thêm để xả thải nước thải không qua xử lý ra môi trường; thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường; rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định…
Bà Phan Kim Tuyền, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm cho biết, sau khi xử phạt, hộ kinh doanh này đã đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải; trám, lấp lại ống xả nước thải không qua xử lý và có hồ sơ nghiệm thu hoàn thành. Huyện đưa hộ kinh doanh này vào diện theo dõi thường xuyên. Năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra cho thấy, hệ thống xử lý nước thải vận hành đầy đủ và chưa phát hiện xả thải trực tiếp ra môi trường. Cơ quan chức năng của huyện chỉ kiểm tra trong giờ hành chính vẫn chưa phát hiện vi phạm. Trước thông tin của người dân về việc hộ kinh doanh này bơm, xả thải lén lút vào ban đêm, đơn vị sẽ liên hệ với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra và xử lý theo quy định.
Theo bà Phan Kim Tuyền, về lâu dài, huyện Giồng Trôm đang sắp xếp lộ trình di dời cơ sở sản xuất hộ gia đình này ra khỏi khu dân cư. Bởi vì, vị trí hộ sản xuất thạch dừa thô này không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2025-2030 và theo quy định của Luật Môi trường năm 2020. Dự kiến trong 5 năm tới, huyện sẽ di dời hộ sản xuất này đến vị trí mới, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp theo đúng quy định.
Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm Phan Kim Tuyền, tình trạng ô nhiễm trên có một phần do các hộ dân xung quanh khu vực kênh xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra kênh. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm đã xảy ra từ lâu chưa khắc phục triệt để, hệ thống kênh rạch đã bị bồi đắp, nước không thể ra vào trong khu vực… làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng thêm.
Để giải quyết tình trạng này, Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, lập dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến kênh bị ô nhiễm. Cơ quan chức năng đang tiến hành đo đạc, họp dân để giải phóng mặt bằng… Khi đó, cơ bản sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.