Mặc dù dự án bố trí ổn định dân cư đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và thực hiện từ năm 2014, nhưng gần 3 năm trôi qua, dự án vẫn là một bãi đất trống, trong khi mưa bão lại rất cận kề, người dân lo âu đối mặt với hiểm nguy thiên tai.
Người dân vùng sạt lở ven biển xã Cà Ná bức xúc cho biết, qua 3 năm chờ đợi dự án, chờ nơi ở mới là quãng thời gian rất dài, trong khi ngày nào dân cũng nơm nớp lo sợ thiên tai, bão lũ ập đến.
Người dân vùng sạt lở ven biển Cà Ná, huyện Thuận Nam chờ dự án triển khai để sớm có nơi ở mới. |
Ông Phan Thành Sơn, Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho rằng, so với năm trước thì dự án hiện có “động tĩnh” chút ít, nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể dự án. Cử tri ở địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị với tỉnh, các sở ngành có liên quan, chủ đầu tư… đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, sớm có kế hoạch di dân ra khỏi vùng sạt lở đến nơi tái định cư (N 10, N 11) trước mùa mưa bão.
Tuy nhiên nhiệm vụ này có lẽ rất khó khả thi, bởi đến thời điểm hiện nay chỉ có một số hạng mục thi công được thực hiện theo đúng tiến độ và thời gian ghi trong hợp đồng như hoàn thành giai đoạn 1 việc khai hoang mặt bằng, san nền (gói thầu số 7); hệ thống đường giao thông (gói thầu số 8).
Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná, huyện Thuận Nam có tổng vốn đầu tư hơn 52 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 36,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 15,6 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ lúc bắt đầu thực hiện dự án đến nay, nguồn vốn hỗ trợ của trung ương bố trí không kịp thời, vốn của địa phương thì thiếu, do đó dự án triển khai bị chậm và kéo dài.
Theo chủ đầu tư dự án, đến cuối tháng 7/2017, nguồn kinh phí được cấp để triển khai dự án là 15,3 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 29,3% tổng mức đầu tư. Do hỗ trợ kiểu dàn trải, ít ỏi nên dự án thi công cầm chừng, đợi vốn.
Ông Lê Kim Hiếu cho rằng, vốn hỗ trợ của địa phương quá ít, vốn của Trung ương hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu, nên nhiều hạng mục của dự án khu tái định cư vẫn còn bỏ ngỏ.
Với nguồn vốn hỗ trợ còn tồn 3 tỷ đồng, trước mắt chi cục đang tập trung triển khai xây nhà ở trên khu tái định cư cho 14 hộ/72 hộ dân thuộc diện di dời với số tiền 2,1 tỷ đồng, số còn lại được dùng để đền bù. Để tiếp tục triển khai thi công, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản xin Trung ương bố trí bổ sung vốn nhưng để chấp thuận có lẽ rất khó.
Thiên tai, bão lũ xảy ra rất khó lường, việc di dời các hộ dân vùng bị ảnh hưởng là rất cấp bách. Do đó, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cần được bố trí khẩn cấp để tái khởi động đồng bộ dự án, sớm đưa khu tái định cư vào phục vụ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước mùa mưa bão.