Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 17/4, TS Lê Đăng Doanh cho biết, những điểm chưa rõ của dự án được Thủ tướng nêu lên đều trùng hợp với những lo lắng trước đây của các nhà khoa học. Đó là dự án chưa được chuẩn bị kĩ càng, chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu thép thế giới, chưa rõ về trình độ công nghệ, vốn của dự án...
"Việc tạm dừng dự án là nhằm tránh sa vào một vụ Formosa thứ hai", chuyên gia này nhận định.
Hình ảnh 3D dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận. |
Theo ông Doanh, lý lẽ của Bộ Công Thương rằng Việt Nam thiếu thép cơ khí, chế tạo để triển khai dự án này là không hợp lý, vì Trung Quốc ngay bên cạnh Việt Nam đang dư thừa thép, phải đóng cửa nhiều nhà máy và có nhu cầu xuất khẩu rất lớn. Nếu Việt Nam cố gắng hướng đến tự chủ trong khi sản phẩm làm ra không bán được thì sẽ là thảm họa. Thực tế, thép sản xuất trong nước đang rất khó cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ.
Cũng theo ông Doanh, Thủ tướng mới chỉ đạo tạm dừng dự án, nghĩa là dự án vẫn có thể được trình lên lần nữa. Khả năng có lợi ích nhóm ở dự án này là rất cao do đây là siêu dự án. Mặc dù người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết sẽ chịu trách nhiệm nếu dự án xảy ra sự cố nhưng vẫn cần phải có một hội đồng khoa học để thẩm định độc lập dự án này.
"Đề nghị Liên hiệp Các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam và các nhà khoa học cần lưu ý đến dự án này và tiếp tục có ý kiến phản biện", ông Doanh nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, theo luật Đầu tư, với những dự án trên 5.000 tỷ đồng thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ lập đề xuất, trình lên Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định rồi trình lên Chính phủ. Ở đây, tỉnh Ninh Thuận sẽ hoàn thiện lại đề xuất theo yêu cầu của Thủ tướng, trình lên Bộ Kế hoạch Đầu tư. Bộ này sẽ lấy ý kiến các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương để hoàn thiện đề xuất dự án và nghiên cứu tính hợp lý hay không của dự án này.
"Dự án này vẫn nằm trong quy hoạch ngành thép của Bộ Công Thương do đây là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp quyết định đầu tư dự án", ông Hoài cho biết.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Thông báo kết luận nêu rõ, dự án mới đang ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng việc đề xuất Dự án thép Cà Ná để làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát Quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị thường để xác định quy mô công suất và thời điểm phát triển dự án hợp lý.
Thứ hai, đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy sự cố tương tự như Formosa.
Thứ ba, xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể trong đó có tính đến cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ, đồng thời xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.
Sau khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện lại, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD. Theo dự kiến của chủ đầu tư Hoa Sen Group, dự án thép Cà Ná sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 2 phân kỳ.