Video vụ tai nạn xe container BKS 15C - 241.45 đâm vào thành cầu Lục Nam ngày 13/2 gây ùn tắc kéo dài:
Cầu Lục Nam là 1 trong 4 cầu còn lại hiện nay của cả nước có đường bộ và đường sắt đi chung. Cầu xây dựng từ năm 1979 và đang được người dân địa phương, cũng như nhiều lái xe qua đây mệnh danh là cầu "đau khổ", bởi hàng ngày phải oằn mình gánh chịu hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn chạy qua Quốc lộ 37 cày xéo.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều lái xe, mỗi lần đi qua cầu là một lần "thót tim”, bởi tình trạng xuống cấp, bong tróc, ổ trâu, lồi lõm tại hai đường dẫn, cộng với tình trạng ốc vít, thanh ray đường sắt rung lắc mỗi khi xe qua.
Video Cung trưởng Cung đường sắt cầu Lục Nam, anh Tạ Thanh Long nói về bất cập khi qua cầu:
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại hiện trường, vụ tai nạn trên không chỉ gây bức xúc cho người dân, mà mỗi lần có tàu hỏa đi qua, tất cả các phương tiện trên tuyến bị ùn tắc kéo dài hàng km. Việc gác chắn tàu tại chỗ được thực hiện thủ công, vì chỉ có nhân viên gác chắn tàu thực hiện cùng việc điều tiết đèn tín hiệu thô sơ tại hai đầu cầu, mỗi bên đi một lượt và phải chờ bên kia.
Trong khi đó, nhiều lái xe cố tình vượt đèn đỏ, đến giữa cầu không xe nào nhường xe nào, nên vào nhiều thời điểm, tuyến đường ùn tắc trầm trọng. Thậm chí, có những vụ lái xe vượt ẩu, chạy tốc độ cao đâm vào thành cầu, gây hư hỏng nặng như vụ tai nạn nêu trên.
Quốc lộ 37chạy qua cầu Lục Nam dài 30 km, mặt đường hẹp, chiều rộng khoảng 5 m, đi qua nhiều khu dân cư. Xe tải, xe container thường bị coi là những "hung thần" trên cung đường này, vì hàng năm đều gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cầu nằm ở vị trí gần dốc Núi Xẻ, lái xe bị khuất tầm nhìn của hướng đối diện, nên chỉ một chút bất cẩn là tai nạn xảy ra ngay lập tức.
Về thực tế trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Nam đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý, nhất là xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua tuyến đường.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc đầu tư xây dựng dự án sớm tách riêng đường sắt, đường bộ qua cầu Lục Nam không chỉ giải quyết những vướng mắc cho địa phương, mà còn cho cả vùng kinh tế; đồng thời, góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn thảm khốc như tại cầu Ghềnh, cầu đi chung đường sắt tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) trước đây.
Video ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) nói về bất cập của cầu Lục Nam và đề xuất giải pháp khắc phục: