Người dân cho rằng tình trạng trên xảy ra nghi do ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản của Công ty than Khánh Hòa.
Quan sát tại khu vực xóm 12 cho thấy, các vết nứt gẫy xuất phát từ tường rào của mỏ than Khánh Hòa, chạy xuyên qua đường bê tông, chạy dọc qua các công trình nhà cửa, tường bếp, sân bê tông và các công trình phụ của 12 hộ dân... Vị trí các vết nứt cách khu vực khai thác than lộ thiên của Công ty than Khánh Hòa khoảng 40 - 100 m.
Tại nhà ông Nguyễn Đình Chiểu, căn nhà cấp 4 đang ở được gia đình ông xây dựng từ năm 2004. Hiện sân trước nhà có vết tách kéo theo các khe co dãn, vết tách dài 7,7m, rộng 0,1 - 1cm, sân phía trước và phía sau phòng ngủ có vết nứt dài 2,6m, rộng 0,3 - 0,5cm.
Vết tách sân giáp móng nhà dài 2,2m, rộng 0,3 - 0,7cm. Còn tại căn nhà chính, phòng khách có vết tách từ góc tường bên trái theo hướng từ đỉnh tường xuống dài 1,8m, rộng 0,2cm; phòng ngủ có vết nứt tại tường bên trái dài 3,6m, rộng 0,3 - 0,5cm, nền có vết nứt ngang phòng dài 3,4m…
Căn nhà cấp 4 lợp ngói của gia đình ông Phùng Văn Hải cũng xuất hiện hàng loạt các vết nứt dưới nền nhà, trên tường nhà… Các vết nứt kéo dài từ 2 - 3m, rộng khoảng 0,1 - 1cm. Theo ông Hải, tình trạng nứt nhà, sân vườn xuất hiện tại 12 hộ dân. Các vết rạn nứt đã xuất hiện từ năm 2016, đến nay do mưa nhiều, các vết nứt ngày càng xuất hiện nhiều, kéo theo là tình trạng mất nước, nguy cơ sụp đổ nhà trong mùa mưa bão là rất lớn.
Ông Lê Ngọc Hưng, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên cho biết, ngoài các hộ dân bị nứt nhà cửa, hiện tại có cả trăm hộ dân trong xã sinh sống cách bãi thải của mỏ than khoảng 50 - 100m, hiện bãi thải này có nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa bão. Hằng năm địa phương cũng tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm và tổ chức tuyên truyền cho người dân tránh xa, không đi vào gần chân bãi thải.
Tại buổi làm việc giữa Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, xã Phúc Hà và đại diện lãnh đạo Công ty than Khánh Hòa vào ngày 13/8/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Nguyên tổ chức thực hiện thống kê đất đai, tài sản trên đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rà soát quỹ đất tái định cư cho các hộ dân. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ do Công ty than Khánh Hòa có trách nhiệm chi trả theo quy định.
Ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công ty than Khánh Hòa cho biết, đầu năm 2018, Công ty than Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ để tư vấn, quan trắc tìm hiểu nguyên nhân vết nứt gẫy, sụt lún xung quanh khu vực khai thác.
Hiện nay, đã thực hiện quan trắc, đánh giá được 50% khối lượng, dự kiến sẽ có kết quả vào cuối năm 2018. Công ty than Khánh Hòa cũng đang phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Thái Nguyên tiến hành thống kê, kiểm đếm, lên phương án bồi thường, dự kiến phương án tái định cư cho các hộ dân.
Theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, dự án khai thác lộ thiên mỏ Khánh Hòa được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phê duyệt kế hoạch khai thác đến năm 2020, sẽ mở rộng moong khai thác đến khu vực 11 hộ dân thuộc xóm 12, xã Phúc Hà.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Công ty than Khánh Hòa báo cáo Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV- CTCP lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, di dời các hộ nêu trên để thực hiện dự án khai thác lộ thiên, thời gian hoàn thành trong năm 2019.
Trong thời gian chưa giải phóng mặt bằng, Công ty phải có các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn khu vực; trường hợp để xảy ra sạt lở, nguy hiểm cho người và tài sản của nhân dân, Công ty phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.