Theo bà Nguyễn Thị Quý Linh, Giám đốc Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV), Tình chị em là mô hình nhượng quyền xã hội đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam mà phía được nhượng quyền (các cơ sở y tế) được miễn phí. Nhượng quyền xã hội là nhóm các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng cùng một thương hiệu, mang đến các dịch vụ tiêu chuẩn; đổi lại, bên được nhượng quyền phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng đã được quy định.
Thực tế, sau 4 năm triển khai, với sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) thông qua MSV, đã có hơn 2.000 lượt cán bộ y tế xã, phường của ba tỉnh được tập huấn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ; 111/125 trạm y tế xã, phường tham gia được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị một số dụng cụ y tế căn bản phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ). Số chị em tới sử dụng dịch vụ khám và điều trị phụ khoa tăng cao nhất là % so với trước. Trong năm 2015 - 2016, có khoảng 1 triệu lượt khách đến nhận dịch vụ SKSS/KHHGĐ như: Các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị các viêm nhiễm đường sinh sản, chăm sóc thai nghén, chăm sóc sau sinh...
Cán bộ mô hình Tình chị em hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: MSV |
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện của các địa phương tham gia mô hình đều cho rằng, lợi thế lớn nhất là cán bộ trạm y tế được tham gia khóa tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá thương hiệu và được hỗ trợ trang thiết bị. Song song với đó, khách hàng (bệnh nhân) sẽ được nhận dịch vụ chăm sóc chất lượng cao. Đáng nói, Dự án đã xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn, khoảng 13 - 15 cán bộ/tỉnh, có thể trực tiếp tập huấn, cầm tay chỉ việc đào tạo cho các cán bộ y tế tuyến dưới khi các tỉnh có nhu cầu mở rộng mô hình.
Theo BS Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục dân số - KHHGĐ, Phó Giám đốc dự án của tỉnh Cà Mau, quan trọng nhất là dự án đã làm thay đổi cách nhìn của cán bộ y tế đối với người bệnh. Từ chỗ, trước đây vì áp lực công việc, một bộ phận cán bộ y tế coi bệnh nhân là người phải hàm ơn thì nay, sau khi được đào tạo, cầm tay chỉ việc, họ cư xử thân tình hơn, coi người bệnh như khách hàng. Cùng với đó, trình độ kiến thức, kỹ năng của cán bộ y tế cũng được nâng cao, cơ sở vật chất được bổ sung... nên người bệnh đã tin tưởng, đến với các trạm y tế nhiều hơn.
Vậy nên, trước khi dự án kết thúc (cuối năm 2016), Cà Mau đã lập kế hoạch tiếp tục duy trì 30 trạm y tế đã tham gia mô hình Tình chị em và khảo sát thêm 15 trạm y tế nữa để mở rộng mô hình này.
“Nguồn kinh phí duy trì và phát triển mô hình cũng là vấn đề mà ngành đang lo lắng. Tuy nhiên, hiệu quả thiết thực từ mô hình là động lực để Cà Mau cố gắng, thực hiện kế hoạch đã đề ra. Chúng tôi sẽ sử dụng 17 cán bộ nguồn để đào tạo, mở rộng mô hình”, BS Nguyễn Cao Hùng cho biết.
Theo bà Quý Linh, không chỉ riêng Cà Mau mà từ quý 2/2016, cả Yên Bái, Đắk Lắk cũng đều có kế hoạch nhằm duy trì những mô hình Tình chị em hiện có ở các xã; đồng thời nhân rộng ra các xã khác.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình, ông Dương Văn Đạt, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định: Tình chị em là một mô hình chăm sóc sức khỏe nhượng quyền tiên phong cần được duy trì và phát triển. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cần có kế hoạch hướng dẫn các địa phương thực hiện, UNFPA có thể hỗ trợ cùng ngành y tế để triển khai, nhân rộng mô hình.
Rất quan tâm đến mô hình Tình chị em, ông Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, cho biết: Tới đây Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em sẽ đề xuất tìm nguồn lực để có thể nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác. Thực tế, đây là dự án tiên phong trong việc kiểm soát chất lượng, chú trọng vào công tác nâng cao năng lực cho mạng lưới trạm y tế xã/phường, cung cấp các dịch vụ SKSS - KHHGĐ chất lượng hướng tới cộng đồng.