Thời gian qua, nhiều công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai xây dựng. Những dự án lớn được xây dựng tại Vĩnh Phúc gồm: Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn qua Vĩnh Phúc với chiều dài 40,82 km, đi qua 23 xã, phường thuộc 5 huyện, thị, tổng diện tích phải thu hồi là 305 ha; Dự án khu đô thị Nam Đầm Vạc có tổng diện tích hơn 473 ha; Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường có quy mô lập quy hoạch 186,49 ha; Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài gần 11km, diện tích thu hồi hàng chục ha... Bên cạnh đó, còn hàng trăm công trình, dự án khác đã và đang được tỉnh phê duyệt cũng sẽ lấy đi nhiều diện tích đất, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp.
Có thể nói hầu hết các dự án lớn, dự án trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đều theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặc dù có làm diện tích đất nông nghiệp suy giảm nhưng đã đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó phải kể đến thúc đẩy phát triển các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư tích cực. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy vậy, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gần đây còn bộc lộ nhiều bất cập. Không ít dự án nhận đất đã lâu nhưng không triển khai xây dựng hoặc xây dựng quá chậm so với cam kết. Nhiều doanh nghiệp nhận diện tích mặt bằng rộng nhưng xây dựng nhà xưởng sản xuất một phần nhỏ, còn lại để hoang hóa…
Ở nông thôn là tình trạng lấn chiếm đất canh tác các loại cây trồng để làm xưởng và lều quán sản xuất, kinh doanh... Những năm gần đây, chỉ riêng tại hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường đã có hàng ngàn trường hợp lấn đất công để làm nhà, xưởng, quán kinh doanh, làm nghề. Dọc tuyến đường ĐT 305, đoạn Km 1 thuộc xã Yên Phương (huyện Yên Lạc) có hàng ngàn ngôi mộ được xây dựng khắp cánh đồng lúa, gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp, nhất là khâu cày bừa, làm đất, thu hoạch bằng cơ giới…
Thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai. Tháng 3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác quản lý, chấp hành, thực hiện nghiêm Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng; kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm và dứt điểm trường hợp vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đô thị theo đúng quy định của pháp luật...
Tháng 3/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kế hoạch về giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường trong địa bàn tỉnh nhằm giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp… Vĩnh Phúc cũng đã tổ chức các đợt ra quân để giải quyết việc xâm lấn, sử dụng đất trái phép nhưng hiệu quả không cao, một số trường hợp tháo dỡ nhưng lại tái lấn chiếm.
Trước tình trạng xâm lấn, lấn chiếm đất nông nghiệp trái quy định, sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch phức tạp nêu trên… thiết nghĩ tỉnh Vĩnh Phúc cần quyết tâm cao hơn, thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng, địa phương mạnh tay vào cuộc xử lý đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm lãnh đạo, chính quyền địa phương nơi để ra sai phạm về đất đai…