Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết hoạt động pháp y, pháp y tâm thầm do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/8, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Pháp y là chuyên khoa ngành y có chức năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu y học và các ngành khoa học khác để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm con người, phục vụ hoạt động tư pháp và y tế.
Trong 5 năm gần đây, ngành giám định pháp y và pháp y tâm thần đã có nhiều tiến bộ, ổn định về mặt tổ chức, góp phần quan trọng trong quá trình tố tụng, đảm bảo quyền lợi người dân, giữ gìn an ninh, trật tự và công bằng xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Kết luận giám định đúng, chính xác là chứng cứ quan trọng, đôi khi là nguồn chứng duy nhất để giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, nếu kết luận giám định không đúng có thể dẫn đến giải quyết vụ việc không thỏa đáng, bỏ sót tội phạm hoặc oan sai cho người vô tội, gây hậu quả nặng nề. Vì vậy, hội nghị này góp phần đánh giá kết quả đã đạt được trong thời gian qua, phân tích những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp để phát triển ngành pháp y, pháp y tâm thần trong thời gian tới...
Theo Viện trưởng Viện Pháp Y quốc gia (Bộ Y tế) Nguyễn Đức Nhự: Những tháng đầu năm 2018, các đơn vị pháp y ngành y tế cả nước đã giám định 26.697 vụ việc bao gồm các loại hình giám định như: tử thi, thương tích, tình dục, ADN, hóa pháp, mô bệnh học...
Một số loại hình giám định khác cũng được cơ quan trưng cầu thường xuyên như: Giám định hài cốt, tuổi, giám định trên hồ sơ, hung khí, cơ chế gây thương tích... Đồng thời, Viện tổ chức khảo sát, đánh giá công tác xét nghiệm mô bệnh học tại 12 trung tâm pháp y các tỉnh, thành phố; tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ pháp y cho 29 học viên; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các học viên tại Trung tâm pháp y Lào Cai...
Tuy nhiên, từ năm 2016 - 2018, ở tuyến địa phương, các trung tâm pháp y đã nhận được 65 đơn thư liên quan đến giám định như: Đề nghị xem xét lại kết quả giám định hoặc đề nghị giám định lại; khiếu nại về kết quả tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể; tố cáo về việc thực hiện chưa đúng quy trình giám định...
Viện trưởng Nguyễn Đức Nhự nhấn mạnh: Thời gian quan, hoạt động pháp y vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu cán bộ chuyên môn pháp y, số giám định viên, đặc biệt đội ngũ bác sỹ, giám định viên có kinh nghiệm ở một số đơn vị còn thiếu hoặc sắp nghỉ hưu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết các đơn vị pháp y trong toàn quốc vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với qui mô, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ đội ngũ cán bộ chuyên ngành pháp y hiện chưa phù hợp với đặc thù công việc; chưa có quy chế phối hợp giữa trung tâm pháp y cấp tỉnh với Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định pháp y tử thi... Thời gian tới, ngành pháp y tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo tuyến, phát hiện kịp thời tồn tại, đề xuất biện pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác giám định...
Về vấn đề pháp y tâm thần, ông Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành giám định pháp y tâm thần đã thực hiện 376 trường hợp cho các vụ án hình sự; giám định sức khỏe tâm thần 306 trường hợp và giám định sức khỏe tâm thần sau điều trị bắt buộc chữa bệnh 36 trường hợp. Các kết luận giám định được đưa ra khách quan, chính xác, đúng quy trình và quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc giữa các tổ chức giám định pháp y và cơ quan tố tụng; hướng dẫn nội dung hồ sơ trưng cầu giám định pháp y; quy định của pháp luật liên quan đến công tác giám định pháp y...