Video Cận cảnh những điểm nóng ùn tắc giao thông cổng trường Hà Nội:
Vào giờ tan trường (khoảng từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút hàng ngày), tại các tuyến phố có trường học như: Trường Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Chu Văn An A trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Trường Liên cấp Newton tại ngõ 234 phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm), Trường Liên cấp Marie Curie trên phố Trần Văn Lai (quận Nam Từ Liêm)... tình trạng ô tô, xe máy của các bậc phụ huynh dừng đỗ bừa bãi, lộn xộn trên vỉa hè, dưới lòng đường trước các cổng trường chờ đón học sinh ra về, gây cản trở giao thông, ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Đơn cử, vào khoảng thời gian trên, người tham gia giao thông trên đoạn tuyến phố Thụy Khuê từ ngã tư Văn Cao - Thụy Khuê đến ngõ 150 phố Thụy Khuê chỉ dài chưa đầy 2 km, nhưng đều chịu trận, chôn chân, nhích từng vòng bánh xe trong cảnh ùn tắc qua khu vực cổng 2 Trường Tiểu học Chu Văn An và Tiểu học Chu Văn An. Nhiều người đi đường buộc phải đi qua tuyến phố Thụy Khuê đều ngao ngán phản ánh đoạn tuyến phố này đã trở thành "điểm nóng" ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay. Phố Thụy Khuê hiện được lưu thông đường 2 chiều, vốn dĩ đã chật hẹp, nhưng với tình trạng phương tiện dừng đỗ tràn hết ra lòng đường đang khiến giao thông qua khu vực này thêm "bức tử". Thậm chí, trước cổng trường Tiểu học Chu Văn An không còn nhận ra đâu là lòng đường dành cho người tham gia giao thông vào giờ tan học...
Tương tự tại nhiều cổng trường khác hiện nay tại Hà Nội, tình trạng phượng tiện của phụ huynh chen lấn, dành chỗ để chờ đón học sinh, gây lộn xộn, mất an toàn giao thông, nhưng không thấy lực lượng chức năng phân luồng, xử lý hoặc có lực lượng dân phòng tại chỗ đứng giữa lòng đường hướng dẫn phương tiện đi theo hàng lối, hạn chế ùn tắc từ xa, nhưng cũng chỉ như "muối bỏ biển". Tình trạng này diễn ra hàng ngày, khiến người tham gia giao thông qua các khu vực "nút cổ chai" này đều bức xúc.
Qua tìm hiểu, việc ùn tắc giao thông tại khu vực các cổng trường giờ tan học hiện nay tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là tình trạng phụ huynh đưa đón học sinh bằng xe cá nhân trong cùng một thời điểm, dừng đỗ tùy tiện, mạnh ai nấy đi, trong khi hạ tầng giao thông tĩnh ở những khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều người tham gia giao thông phản ánh, nếu cổng trường xảy ra ùn tắc, phía các nhà trường phải thay đổi phương án cho phụ huynh học sinh vào sân trường để giải tỏa; sắp xếp giờ đưa đón cho phụ huynh giữa các lớp, các khối khác thời điểm; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở địa phương để hướng dẫn, phân luồng, xử lý ùn tắc từ xa...
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, ngay từ đầu các năm học mới, Sở đã đặt trọng tâm việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện Luật Giao thông đường bộ với nhiều nội dung cụ thể, trong đó có vấn đề phòng chống ùn tắc giao thông khu vực cổng trường. Thực tế, đã có nhiều trường học phân luồng, kẻ vạch nơi cổng trường để phụ huynh đứng theo hàng lối. Những mô hình này sẽ được các trường học nhân rộng ở những nơi có điều kiện về không gian, địa điểm...
Nhiều chuyên giao giao thông đô thị phân tích, để hạn chế ùn tắc giao thông khu vực các cổng trường hiện nay, trách nhiệm cần được san sẻ cho phía nhà trường, chính quyền và phụ huynh học sinh. Các nhà trường có thể huy động học sinh, sinh viên tham gia xây dựng lực lượng thanh niên xung kích, tình nguyện để nhắc nhở, hỗ trợ hướng dẫn, phân luồng giao thông vào giờ tan trường, dần tạo thành mô hình cổng trường an toàn, hình thành nên văn hóa cộng đồng trong việc ứng xử khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh đưa đón con em đến trường, tham gia giao thông, nên đều là những chủ thể gây nguy cơ cản trở, ùn tắc giao thông, vì vậy, giải pháp, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông phải đến từ các cấp chính quyền cơ sở...
Thiết nghĩ, việc giải quyết triệt để xung đột giao thông giờ tan trường của các nhà trường không thể hóa giải ngay hiện nay, nhưng để hạn chế thấp nhất tình trạng này, trước mắt chính quyền các địa phương cơ sở cần thực hiện triệt để các giải pháp đã đặt ra, trong đó có việc giải tỏa ngay chợ "cóc", chợ tạm gần cổng trường; hạn chế hàng quán, hàng rong; bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý và đặc biệt là mỗi bậc phụ huynh cần tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng để cùng tạo dựng văn hóa giao thông nơi cổng trường, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, vừa giáo dục ý thức học sinh tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, vừa giảm ùn tắc từ xa.
TS Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực các cổng trường học và các tuyến đường lân cận vẫn cứ lặp lại sau khi tan trường không chỉ khiến cho tình hình giao thông của thành phố trở nên lộn xộn, mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của các em học sinh và phụ huynh. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận những khu vực cổng trường như những điểm ùn tắc và cần có những giải pháp vĩ mô và vi mô để giải quyết tận gốc.