Cơ sở vật chất của bếp ăn gắn liền với cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế huyện, với 56 tình nguyện viên là những nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp công sức của mình nấu nướng, phục vụ bếp ăn.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận, trong năm đầu mới thành lập, bếp ăn tình thương gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí hoạt động, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp tiền, gạo và một số thực phẩm của các nhà hảo tâm trong, ngoài huyện ủng hộ. Để có kinh phí cho bếp ăn hoạt động, Ban vận động đã tích cực vận động sự ủng hộ giúp đỡ từ các nhà hảo tâm; hàng tháng họp công bố thu, chi trước tập thể và đưa ra phương hướng hoạt động của bếp ăn cho các tháng tiếp theo. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng ngày bếp ăn vẫn cố gắng duy trì công việc cấp cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho các bệnh nhân có nhu cầu.
Nhờ làm tốt công tác vận động, bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp rất nhiều vật chất, kinh phí của tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện. Đến nay, bếp ăn đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, giúp bệnh nhân và thân nhân yên tâm khi đến đây điều trị bệnh. Trong số những người tích cực đóng góp cho bếp ăn tình thương, trước hết phải kể đến ông Đào Văn Hùng, người được phong là “bếp trưởng”.
Không chỉ nấu ăn ngon, ông luôn sắp xếp thời gian khoa học, kịp thời. Mỗi sáng thức dậy, người nhà bệnh nhân có thể an tâm khi đến bếp ăn để nhận nước sôi, cháo trắng; buổi trưa nhận cơm; buổi chiều nhận cơm và nước sôi. Công việc cứ xoay vòng như vậy, ông phải sắp xếp thời gian để bảo đảm phục vụ chu đáo, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Ông Hùng bộc bạch: Lúc đầu về đây chỉ nhằm giúp bếp ăn hoạt động ổn định, rồi sẽ trở lại quê nhà xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, lo công việc đồng áng. Thế nhưng, khi thấy nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là từ các địa phương vùng sâu, đường sá đi lại khó khăn, cách xa trung tâm huyện, ông tình nguyện đăng ký ở lại luôn.
Có mặt tại bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận đúng vào giờ phát cơm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy chỉ 7 người phục vụ gần 100 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người thì phụ trách nấu cơm, người nhận phiếu, phát phiếu, người đứng phát cơm, phát thức ăn...
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận cho biết, lúc đầu chỉ có vài người tình nguyện phục vụ nấu ăn tại đây. Về sau, số người đăng ký nhiều dần lên vì họ nhận thấy việc làm đầy tính nhân văn này, trong số đó có người cũng là bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân điều trị tại đây hoặc tại một số nơi khác. Vì vậy, đến nay bếp ăn đã có 56 tình nguyện viên cố định, với 6 tổ nấu ăn và 264 thành viên tự nguyện, thường xuyên đến hỗ trợ, giúp đỡ. Trong số này, có người tại địa phương, có người ở huyện ngoài, tỉnh ngoài cũng tình nguyện tham gia.
Được các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm, các loại rau, củ quả, dầu ăn, bột ngọt, muối… đến nay bếp ăn tình thương phát đều đặn 300 suất/ngày gồm 2 suất cơm, 1 suất cháo và 300-400 lít nước sôi.
Để có được những bữa cơm ấm lòng người bệnh và thân nhân của họ là cả một tấm lòng, tâm huyết của đội ngũ các thành viên làm công tác từ thiện, cống hiến công sức phục vụ bếp ăn. Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận, ngoài các suất ăn hàng ngày tại Trung tâm, các nhà hảo tâm còn đến tặng nhu yếu phẩm, tiền hỗ trợ bệnh nhân nghèo nằm viện. Riêng chị Nga ở xã Vĩnh Thuận, cứ hàng tháng vào ngày 15 và 30 âm lịch, lại tình nguyện phát 300 hộp cơm chay cho tất cả bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Trong số 56 tình nguyện viên có các nhóm phụ trách công tác vận động vật chất từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ bếp ăn, còn lại chia làm 6 tổ thay phiên nhau, mỗi tổ nấu ăn theo ngày. Dù là thức ăn chay, nhưng Ban điều hành bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận luôn trăn trở làm sao để bếp ăn được duy trì hoạt động, đồng thời nâng cao dần chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Những tình nguyện viên tại bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận đều có chung một tấm lòng, sẵn sàng sẻ chia cùng bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Dì Hai, ở xã Vĩnh Thuận, đang điều trị tại đây cho biết, dì rất cảm kích và ghi khắc trong lòng những việc làm nhân văn của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận. Khi nào hết bệnh, dì Hai sẽ đóng góp một phần để bếp ăn hoạt động tốt hơn.
Năm 2019, bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận tiếp nhận gần 23.000 kg gạo, 21 triệu đồng tiền mặt, 9.600 kg rau củ quả. Ngoài ra, bếp ăn còn nhận được nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm như đường 960kg, dầu ăn, muối, bột ngọt… Qua đó, bếp ăn tình thương đã cấp được 92.160 suất cơm, 30.408 suất cháo, phục vụ hàng ngàn lít nước sôi phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
Ngoài các hoạt động cấp cháo, cơm, nước sôi, bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận còn vận động "mạnh thường quân" hỗ trợ xe cứu thương chuyên dùng. Năm 2019 đã thực hiện 58 chuyến xe chuyển bệnh nhân từ xã đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng; 74 chuyến xe chuyển viện cho người nghèo từ Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận lên tuyến trên, kịp thời cấp cứu điều trị.