Đề xuất mức án tử hình với bị cáo Nguyễn Bắc Son
Sáng 16/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vì có 2 bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với các đồng phạm khác, hai bị cáo trên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mua AVG với mức giá 9.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời nhận những khoản hối lộ kỷ lục (Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD).
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định: Trong quá trình điều tra, truy tố, cả bốn bị cáo này đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội và có trách nhiệm trong việc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt, riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền và trước toà đã nhiều lần thay đổi lời khai.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong phiên toà, ngày 21/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã gửi thư động viên gia đình nộp hết số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ trước ngày 26/12/2019.
Bộ NN&PTNT bị phê bình
Trong tuần qua, giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng với tốc độ “chóng mặt”. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tương Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô
Bảo vệ môi trường không khí
Vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, thời gian qua đã gây sự bức xúc trong dư luận. Trong tuần qua, nhiều thời điểm, không khí tại Hà Nội lên tới ngưỡng nguy hiểm.
Vào cuối tuần qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc họp cùng các bộ ngành liên quan và các địa phương để rà soát, đánh giá công tác bảo vệ môi trường nhằm tìm ra giải pháp tổng thể với môi trường không khí.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí trước 15/1/2020.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, đối với phương tiện giao thông cơ giới… Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng.
Phó Thủ tướng cũng chi đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí …