Bên cạnh đó, thông tin về việc xây công trình kinh doanh trên đỉnh Mã Pì Lèng và đề xuất “dẹp” các quán cafe đường tàu tại Hà Nội cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.
“Truy tìm” nguyên nhân ô nhiễm không khí
Tuần từ 30/9 đến 6/10, một trong những thông tin được người dân đặc biệt quan tâm là việc ngày 1/10, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có thông tin chính thức về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Tổng cục Môi trường cho biết, trong những ngày gần đây, chất lượng không khí tại các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục có những chỉ số ở mức kém, xuất hiện đồng thời với hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.
Tại Hà Nội, chất lượng không khí có những ngày đạt mức độ “tím” thậm chí tới mức "nâu", mức cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, với nồng độ bụi mịn (PM2.5) vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Theo Tổng cục Môi trường, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Nguyên nhân bụi PM2.5 tăng cao là vào thời điểm giao mùa, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, gây hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Lượng mưa ít cũng là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Các nguyên nhân khác như xây dựng, giao thông vận tải, đốt than tổ ong… cũng dẫn tới chất lượng không khí tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, thời điểm cuối mùa mưa, đầu mùa khô cũng có hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.
Trước thực trạng ô nhiễm trên, Tổng cục Môi trường khuyến nghị, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào buổi đêm và sáng sớm. Do đó, người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.
Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10 về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có kế hoạch lắp thêm trạm đo về chất lượng không khí, cảnh báo kịp thời hơn cho người dân vào mùa chất lượng không khí sụt giảm. Về dài hạn, ông Lê Công Thành cho biết Chính phủ có kế hoạch theo dõi, giám sát, tăng cường chất lượng không khí cũng như ban hành các quy định giảm các nguồn có thể phát thải bụi mịn vào không khí. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương sẽ triển khai kế hoạch này để cải thiện không khí tại các thành phố lớn.
Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, người già và những người mắc bệnh về hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.
Trên thị trường, người dân hai TP lớn ra sức mua máy lọc không khí, khẩu trang nhập ngoại với quảng cáo là có khả năng lọc bụi mịn.
12 bị cáo bị tuyên án trong vụ VN Pharma
Trong tuần qua, một trong những thông tin được dư luận quan tâm là chiều 1/10, sau 5 ngày xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt mức án đối với 12 bị cáo trong vụ án buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita (là thuốc chữa ung thư giả) xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Theo đó, hai bị cáo chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) lĩnh mức án 17 năm tù và Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) lĩnh mức án 20 năm tù cùng về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo nội dung vụ án, trong khoảng thời gian 2013 - 2014, bị cáo Nguyễn Minh Hùng thông qua Võ Mạnh Cường và 10 đồng phạm đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả, gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada giả và đóng dấu giả hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; làm giả hồ sơ đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita; làm giả hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hồng Kông và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời. Toàn bộ lô thuốc H-Capita sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện, thu giữ nên thiệt hại thực tế của Công ty cổ phần VN Pharma là hơn 6 tỉ đồng (tiền chi thực tế và tiền thuế nhập khẩu).
Ngoài ra, 8 bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ thấp nhất là 3 năm tù đến cao nhất là 12 năm tù cùng về tội danh "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Bị cáo Ngô Anh Quốc, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma bị tuyên phạt mức án 11 năm tù, cộng với 5 năm tù về tội "Đưa hối lộ" tại bản án trước đó của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, tổng hợp hình phạt bị cáo Quốc phải chịu là 16 năm tù. Riêng bị cáo Hoàng Trúc Vy (nhân viên Công ty cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc bị cáo Hùng và bị cáo Quốc liên đới nộp lại số tiền hơn 4,4 tỉ đồng, bị cáo Cường nộp lại hơn 2 tỉ đồng để tịch thu sung ngân sách nhà nước. Hội đồng xét xử tuyên tiêu hủy 9.300 hộp thuốc H-Capita đang bị tịch thu. Các bị cáo bị cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực dược trong 5 năm.
“Mượn” bằng tốt nghiệp THPT của chị gái
Ngày 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã trao đổi với phóng viên TTXVN về các nội dung liên quan đến việc xử lý đơn tố cáo nặc danh đối với bà Trần Thị Ái Sa - Trưởng phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của chị gái để học tập và thăng tiến.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải cho biết, tháng 6/2019, Tỉnh ủy Đắk Lắk và một số cơ quan chức năng tỉnh nhận được đơn tố cáo nặc danh với nội dung tố cáo bà Trần Thị Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo hiện giữ chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng khi thấy có dấu hiệu vi phạm, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác minh, làm rõ và kết luận nội dung trong đơn tố cáo hoàn toàn đúng sự thật.|
Theo đó, từ năm 1999 - 2002, bà Trần Thị Ngọc Thảo (sinh 1975, hiện trú tại phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông nên đã sử dụng bằng của người chị ruột tên Trần Thị Ái Sa (hiện trú tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) để xin vào làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Trong quá trình làm việc, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng hồ sơ của chị gái Trần Thị Ái Sa để học Trung cấp kế toán (được cấp bằng tốt nghiệp năm 2000) và Đại học kế toán hệ từ xa (2005-2009). Từ đó, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng bằng cấp, hồ sơ của chị ruột là Trần Thị Ái Sa để làm việc. Sau đó, bà Trần Thị Ngọc Thảo với cái tên Trần Thị Ái Sa đã làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp theo làm kế toán của Phòng Quản Trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Năm 2013, được bổ nhiệm làm Phó Phòng Quản trị, đến năm 2016 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản trị.
Như vậy, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của chị gái Trần Thị Ái Sa để xin việc, từ đó sử dụng hồ sơ của chị gái để học tập, làm việc và từng bước giữ các chức vụ như hiện nay. Đặc biệt, gia đình bà Trần Thị Ngọc Thảo có 12 anh chị em, nhưng lý lịch Đảng viên trong quá trình làm thủ tục kết nạp Đảng, bà Thảo (dùng hồ sơ Trần Thị Ái Sa) chỉ khai 4 anh chị em và không có ai tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng đã thừa nhận mọi vi phạm khi sử dụng tên, hồ sơ của chị gái Trần Thị Ái Sa để làm việc cho đến nay; đồng thời chấp hành mọi hình thức xử lý, kỷ luật của tổ chức.
Theo ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk: Với quan điểm kiên quyết xử lý theo đúng quy định, không bao che, sai đến đâu xử lý đến đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang trong quá trình xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền theo đúng Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật.
Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đang xem xét, xử lý theo đúng quy định đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thẩm tra lý lịch và bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Thảo.
“Gai” mọc trên đèo Mã Pì Lèng
Sáng 5/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc tòa nhà xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Theo đó, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Việc xây dựng công trình nói trên không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và các quy định liên quan.
Tuy nhiên, Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.
Vì vậy, nhằm khuyến cáo cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương về trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn ngừa việc triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến di sản, do công trình xây dựng gần khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, ngày 12/7/2019, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 495/DSVH-DT đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đối với công trình xây dựng nói trên, có biện pháp bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng theo Điều 36 nói trên của Luật Di sản văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Cục Di sản văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thực hiện các biện pháp để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý về vấn đề này theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh sách danh lam thắng cảnh quốc gia.
Đề nghị giải tán tụ điểm cà phê ven đường tàu
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội giải tán tụ điểm cà phê trên đường sắt, đe dọa mất an toàn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 9 tháng năm 2019, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong đó, có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt… Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt đến người dân. Khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân, cần tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật. Khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt. Mặt khác, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.