Thành tựu phòng chống dịch của ngành y tế
Chiều 21/2, bệnh nhân mắc COVID-19 cao tuổi nhất ở Việt Nam - ông T.K.H, 73 tuổi - Việt kiều Mỹ đã được ra viện sau 21 ngày điều trị. Trước đó, ngày 20/2, hai mẹ con bệnh nhi 3 tháng tuổi đã được xuất viện trong tình trạng khoẻ mạnh. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 15/16 ca dương tính với COVID-19 được chữa khỏi và TP HCM không còn bệnh nhân mắc COVID-19. Trường hợp bệnh nhân duy nhất phải ở lại viện điều trị là ông N.V.V., 50 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, bố nữ công nhân N.T.D (chị D. là một trong 8 công nhân trở về từ Vũ Hán ngày 17/1 vừa qua, sau đó bị nhiễm COVID-19 và đã được điều trị khỏi).
Điều đáng kể là trong lúc trên thế giới và nhiều quốc gia trong khu vực liên tục gia tăng số bệnh nhân mắc mới thì tại Việt Nam, từ ngày 13/2 tới nay không xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Công tác phòng bệnh của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giời (WHO) đánh giá cao.
Việc điều trị thành công cho các ca bệnh, không để xảy ra tình trạng người bệnh tử vong, là kết quả sự nỗ lực của các y, bác sĩ với phác đồ điều trị phù hợp trong khi hiện thế giới chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng bệnh này và dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về phác đồ điểu trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới cho biết: “Phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới tại Việt Nam xuất phát từ những nghiên cứu của Trung Quốc và các nước khác, cũng như những kinh nghiệm của người thầy thuốc qua điều trị cho hàng trăm, hàng nghìn ca điều trị bên Trung Quốc và dựa trên thông tin từ những trung tâm nghiên cứu lớn của WHO. Từ những kinh nghiệm của đồng nghiệp, Việt Nam đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mình. Hiện phương pháp điều trị của chúng ta là chưa cần những thuốc điều trị đặc biệt mà vẫn sử dụng những loại thuốc sẵn có theo từng tình trạng của mỗi người bệnh”.
Đảm bảo trường học an toàn hơn công sở
Một trong những thông tin được du luận đặc biệt quan tâm trong tuần 17-23/2, là quyết định về thời gian đi học trở lại của học sinh cả nước, cùng sự an toàn của môi trường học đường.
Tại Hà Nội, UBND Thành phố đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ để phòng dịch bệnh của học sinh tới 1/3, trong khi UBND TP Hồ Chí Minh dù đã ra quyết định học sinh được nghỉ tới hết tháng 2 nhưng vẫn đề xuất thời gian nghỉ kéo dài đến hết tháng 3/2020. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết lý do của đề xuất này: Căn cứ vào diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, chúng tôi tính đến phương án chống dịch xấu nhất để phương án đó không xảy ra. Nếu tiếp tục cho học sinh nghỉ học từng tuần một rất bị động và bất tiện, cần tính toán phương án chủ động cho các địa phương trên toàn quốc. Do đó, chúng tôi đề xuất phương án cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3/2020.
Tại cuộc họp bàn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCOV) về việc đưa học sinh đi học trở lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Đã bước vào trường học phải đảm bảo môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước; bởi chỉ riêng việc kiểm soát người ra vào các trường học có điều kiện hơn khi biết rõ từng học sinh, giáo viên trong khi tại các trụ sở cơ quan nhà nước việc làm này thực hiện khó hơn; huy động nhà trường phụ huynh, học sinh cùng chung tay, tham gia vào các giải pháp cụ thể, thực tế; đảm bảo vệ sinh trường học, phụ huynh yên tâm khi con em đến trường”.
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, công tác vệ sinh an toàn trường học đã và đang tiếp tục được tăng cường, với các giải pháp như tiêu độc khử trùng trường học, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên cách ứng xử, kỹ năng phát hiện, xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ; không tổ chức chào cờ tập trung toàn trường, thực hiện chào cờ trong lớp học; giảm bớt các hoạt động tập thể tập trung đông người... để bảo đảm an toàn cho học sinh. Lãnh đạo UBND hai thành phố lớn nhất đất nước bảo đảm “môi trường học đường an toàn hơn cả trụ sở UBND thành phố”.
Cùng với lịch học, thời gian kết thúc năm học cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Tối 22/2, trao đổi với PV Báo Tin tức, PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ GD&ĐT lùi thời gian thi THPT quốc gia từ 23 - 26/7 và thời điểm kết thúc năm học là 30/6.
PGS TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Năm học 2019 - 2020 sẽ kết thúc vào ngày 30/6. Kỳ thi THPT quốc gia 2020 tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26/7. Đây là khoảng thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tính toán để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đru thời gian cho học sinh ôn tập thi THPT quốc gia. Nguyên nhân là do học sinh hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước phải nghỉ học khoảng 1 tháng để phòng chống dịch COVID - 19.
Với khung thời gian này của Bộ GD&ĐT đưa ra, các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch dạy học bù cho học sinh địa phương mình một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Các địa phương chỉ đạo nhà trường phải dạy đủ thời lượng chương trình theo quy định, đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh.
Ngành du lịch nỗ lực
Tuần qua, trong lúc ngành nông nghiệp đã tạm thời ổn định với các chương trình giải cứu nông, thuỷ sản, thì ngành du lịch thể hiện sự nỗ lực, chủ động với các giải pháp giải pháp vượt khó khăn mùa dịch bệnh.
Ngày 21/2, Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị đã tổ chức lễ công bố "Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020" với các ngành du lịch.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình kích cầu nội địa năm nay có sự tham gia của 40 doanh nghiệp lữ hành với mức giá giảm từ 25 - 50%, ngành hàng không giảm đến 50%, đường bộ và đường sắt giảm 40%… Đây là động thái của các doanh nghiệp khi ứng phó với dịch COVID-19. Ngay trong ngày 21/2, hàng trăm khách vẫn tới các điểm du lịch nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh giữa mùa dịch. Đây là nỗ lực của toàn ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh khi tích cực quảng bá truyền thông về điểm đến an toàn, thân thiện tới du khách quốc tế dù đang trong mùa dịch bệnh COVID-19.
Cũng trong ngày 21/2, Hiệp hội du lịch Việt Nam công bố Liên minh kích cầu du lịch 2020 và chương trình xúc tiến du lịch Bình Định- Phú Yên- Gia Lai- Đắk Lắk. Liên minh nhằm liên kết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch để đưa ra các sản phẩm có chất lượng, giá tốt nhất để phục hồi lại sự tăng trưởng lượng khách sau hậu quả do dịch COVID-19 gây ra từ Tết đến nay. Tiên phong tham gia chương trình là doanh nghiệp lữ hành và hàng không như: Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Vietnam Travelmart, Hanoi Redtours, Vietrantour, Vietnam Airlines… Liên minh tiếp tục có sự tham gia của các khách sạn, hãng vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm… trong thời gian tới.
Ông Cao Anh Sơn, Trưởng Ban Tiếp thị - Sản phẩm Vietnam Airlines cho biết: Hãng đã làm việc với các đơn vị lữ hành để có mức giá kích cầu hợp lý nhất theo từng chặng và cam kết mức giảm giá vé từ 40-50%. Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng công bố Bộ tiêu chí du lịch an toàn với các hướng dẫn dễ nhớ để các đơn vị triển khai đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch. Các hướng dẫn này sẽ triển khai tới tất cả các đơn vị làm du lịch, từ các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng…
Tại Quảng Nam, theo báo cáo nhanh của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hội An ngày 22/2, trong thời gian chịu ảnh hưởng dịch bệnh từ nơi khác, khu vực phố cổ có sụt giảm về lượng khách mua vé tham quan. Tuy nhiên, những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có hơn 3.000 du khách, chủ yếu là khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ mua vé tham quan khu di sản. Hiện nay, khách lưu trú tại Hội An bình quân mỗi đêm có hơn 10.000 khách, trong đó, hơn 90% là khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu, Bắc Mỹ, công suất sử dụng phòng đạt xấp xỉ 50%.
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An tăng trở lại sau nhiều ngày sụt giảm do lo ngại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: Để giữ gìn và phát huy thương hiệu du lịch Hội An, thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ kinh doanh, phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đồng thời giữ được ấn tượng tốt đẹp với du khách, tiếp tục phát huy những giá trị, truyền thống hiếu khách của người Hội An. Đội kiểm tra liên ngành thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng - cà phê, nhà hàng – bar, vận động một số ít cơ sở tự ý treo dán áp-phích, thông báo có nội dung phân biệt, không tiếp nhận đối với khách là người đến từ vùng dịch, khách là người Trung Quốc nên tự tháo dỡ áp-phích và không có hành vi kỳ thị với du khách đến từ Trung Quốc.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch tại các điểm tham quan, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, các điểm bán vé tham quan khu di sản, các làng nghề đều trang bị khẩu trang y tế cho nhân viên, phát khẩu trang y tế cho khách có nhu cầu và đặt nước sát khuẩn tại các quầy vé, nhà vệ sinh. Tất cả các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú du lịch đều trang bị khẩu trang y tế , nước sát khuẩn cho nhân viên khi làm việc và du khách khi đến cơ sở. Thực hiện phun hóa chất diệt khuẩn, vệ sinh cơ sở sinh doanh thường xuyên. Một số cơ sở, doanh nghiệp lớn đã trang bị máy đo thân nhiệt và thường xuyên đo thân nhiệt, giám sát, theo dõi sức khỏe cho du khách, bố trí khu vực lưu trú, ăn uống riêng cho du khách đến từ Trung Quốc. Đến nay, chưa có khách du lịch nào đến, lưu trú tại Hội An bị nhiễm dịch COVID-19.