“Siêu thị tại nhà”
Cuối tuần, chị N.M.Thu 37 tuổi phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho phép mình “ngủ nướng” so với mọi ngày. Vẫn trong chăn ấm, M.Thu mở App VinID trên chiếc điện thoại thông minh để click vào tính năng Scan & Go mua hàng từ xa. Đây là mô hình siêu thị “ảo” có mô phỏng hàng trăm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh của hệ thống siêu thị VinMart, được sắp xếp, bài trí không khác gì những quầy hàng thực tế trong siêu thị.
“Thay vì phải đến siêu thị, chưa kể phải chờ đợi khá lâu khi thanh toán thì tôi có thể ngồi tại nhà hoặc bất cứ ở đâu cũng có thể đi chợ. Với hóa đơn trên 300.000 đồng, tôi được giao hàng miễn phí trong bán kính 10 km. Đối với hóa đơn dưới 300.000 đồng thì phí phải mất thêm 25.000 đồng. Những đơn hàng phát sinh sau 18 giờ, VinMart giao trước 12 giờ hôm sau”, chị N.M.Thu kể vanh vách. Ngoài ra, khi mua các đồ dùng sinh hoạt cá nhân và gia đình, chị M.Thu cũng sử dụng các ứng dụng online như: Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn...
“Trước kia tôi ít mua hàng online. Từ khi có dịch bệnh COVID-19, tôi thường xuyên dùng các ứng dụng mua, thanh toán online; đồng thời đặt dịch vụ giao nhận. Cứ nghĩ cái cảnh sau giờ làm tất bật, vừa chở con nhỏ trên xe máy, vừa phải dừng mua đồ chợ búa lỉnh kỉnh, mỗi lần dừng mua là lần gỡ khẩu trang, xoa nước cồn, tôi cũng bắt đầu thấy ngại. Mua online khắc phục được điều đó”, chị Nguyễn Bích Ngọc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói.
Một lợi thế khi mua sắm online được nhiều người hào hứng chia sẻ là các cửa hàng bán trực tuyến không có ngày nghỉ nên khách có thể mua sắm bất cứ lúc nào, thậm chí đêm khuya lướt web, đặt hàng. Tuy nhiên không ít người vẫn canh cánh nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Tôi đã từng gặp phải hàng giả khi đặt mua online. Mặc dù được hỗ trợ đổi trả trên Shopee nhưng vẫn phải chờ đợi rất nhiều ngày. Tôi mong các cơ quan chức năng có những chế tài nghiêm khắc để quản lý những trang thương mại điện tử, bảo đảm nguồn gốc hàng hoá chất lượng hơn đến tay người tiêu dùng”, chị Minh Trang, phố Hàng Bún nói.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các kênh siêu thị nhanh chóng nắm bắt tâm lý khách hàng và chuyển đổi theo xu hướng chung. Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Central Retail (Đại diện siêu thị Big C và Go!), Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Còn Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: Trước khi xảy ra dịch COVID-19, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng gần đây, lượng khách hàng mua online đã tăng mạnh. "Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được lên mạng, từ đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân”, bà Kim Dung nói.
Ngân hàng hút khách dùng online
Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức tiền mặt có là mối lo ngại lây lan dịch bệnh COVID-19 hay không, song nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng trong việc sử dụng tiền mặt cũng như tiếp xúc với các đồ vật thông dụng khác.
Để chung tay giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh khi giao dịch tiền mặt, cũng như để hỗ trợ khách hàng mua sắm trực tuyến, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm phí, miễn phí cho khách hàng khi giao dịch online. Đai diện Ngân hàng MSB cho hay: Để khuyến khích khách hàng sử dụng các tiện ích giao dịch trực tuyến, MSB đang áp dụng chương trình tặng chai nước rửa tay khô khi thực hiện một trong các giao dịch như: Mở mới hoặc kích hoạt lại Internet Banking/Mobile Banking và phát sinh một giao dịch chủ động trên Internet Banking/Mobile Banking kể từ ngày 21/2 - 21/03.
“Với khách hàng đăng ký và sử dụng một trong những tài khoản M1, M-Money, M-Business, MSB miễn 100% phí chuyển khoản nhanh 24/7, hạn mức chuyển khoản liên ngân hàng lên tới 6 tỷ đồng/ngày; miễn phí thanh toán các loại hóa đơn điện thoại, điện, nước… qua ngân hàng điện tử M-Banking và nhiều ưu đãi khác. Phía MSB cũng áp dụng hoàn tiền lên đến 20% khi thanh toán online với thẻ tín dụng Visa Online”, đại diện MSB nói.
Để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử, BIDV có chính sách tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. Phí giao dịch sẽ được BIDV hoàn vào tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng hàng tháng với tổng ngân sách hoàn phí giao dịch lên đến 2,46 tỷ đồng. Ngoài ra, các khách hàng gửi tiền online qua BIDV SmartBanking, BIDV Online sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. BIDV vẫn tiếp tục chính sách không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay phí duy trì nào đối với dịch vụ BIDV Online và BIDV SmartBanking.
Tại MB, dù khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp khi chuyển khoản trên các nền tảng điện tử của MB đều được miễn phí hoàn toàn. Ðồng thời, khi chuyển tiền liên ngân hàng và các loại phí giao dịch khác qua ứng dụng điện tử MB, kể cả phí duy trì tài khoản hàng tháng cũng đều được giảm về 0 đồng.
NAPAS, nhà cung ứng hạ tầng cho các ngân hàng đã công bố tiếp tục triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ cho các tổ chức tín dụng từ ngày 25/2. Theo đó, NAPAS thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online), gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đến 31/12. Bên cạnh đó, giảm 72% phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch từ ngày 25/2.
Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS nói: “Chúng tôi tin rằng chương trình miễn giảm phí dịch vụ chuyển mạch trong năm 2020 của NAPAS có thể góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Năm 2020 là thời điểm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ, việc áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ (mức thu 0 đồng) là sự chia sẻ trách nhiệm của ngành ngân hàng cũng như NAPAS với cộng đồng, với khách hàng. Các giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong dân cư, mà còn giúp các cơ quan chính phủ cắt giảm được chi phí quản lý, vận hành”.