Để đảm bảo năm 2015 cơ bản không còn xe quá tải hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất bổ sung quy định xử phạt lũy tiến đối với xe vi phạm. Còn khoảng 40% xe chở quá tải Tình trạng xe quá tải hoạt động thách thức pháp luật diễn ra lâu nay tại nhiều địa phương, ở đầu nguồn hàng cảng biển, nhà máy, vùng nguyên liệu, gây bức xúc dư luận. Trong khi nhiều tuyến đường tiếp tục được nâng cấp, sửa chữa, thì xe qua tải vẫn phá đường, băm nát nhiều tuyến.
Gần đây nhất, ngày 4/3, tại Hải Dương, Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ đoàn 7 xe chở hàng quá tải trọng trên đường 399 qua huyện Kinh Môn. Lực lượng thanh tra đã áp tải số xe chở quá tải này về Trạm Kiểm tra tải trọng xe tại Km 58+400 QL5 để cân kiểm tra tải trọng và yêu cầu hạ tải. Qua kiểm tra, 7 xe này đều chở hàng quá tải từ 155 - 250%. Lực lượng thanh tra đã lập biên bản xử phạt gần 200 triệu đồng, tước giấy phép 3 tháng đối với tất cả các lái xe và buộc hạ toàn bộ phần hàng chở quá tải mới cho lưu thông.
Trong tháng 2/2015, lực lượng liên ngành Thanh tra - CSGT Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ hàng đoàn xe quá tải đi ra từ cảng Nam Hải Đình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng). Tại cảng, thông tin phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam cập nhật từng ngày và sử dụng phần mềm tin học để kiểm soát tải trọng xe ngay từ khi vào cổng cảng. Nếu đối chiếu thấy tải trọng xe thấp hơn khối lượng hàng sắp lấy, xe sẽ không được vào cảng nhận hàng. Tuy nhiên, quy trình nghiêm ngặt vẫn không tránh được tình trạng ùn tắc mỗi khi có quá đông xe ra vào bốc xếp hàng, vì vậy xe quá tải vẫn lọt qua. Trong khi đó, việc truy và xử phạt những vi phạm tại cảng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vì cảng không có chức năng xử phạt xe quá tải.
Lực lượng chức năng cân kiểm tra tải trọng phương tiện trên QL5. |
Nhiều ý kiến lãnh đạo Sở GTVT các địa phương phản ánh, hiện nay các trạm cân kiểm soát tải trọng xe bố trí tại những vị trí không phù hợp là nguyên nhân khiến nhiều lái xe tìm cách lách trạm. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp xe quá tải bị phát hiện, bắt giữ, xảy ra tình trạng lái xe khóa cửa, bỏ lại xe, không hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Không ít trường hợp lãnh đạo các địa phương cũng gọi điện thoại, gây áp lực “xin cho” cho xe quá tải.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), sau khi thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe tại 63 địa phương, đến nay vẫn còn khoảng 35 - 40% lái xe, chủ xe, chủ hàng chở quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm, để né các trạm kiểm soát. Với 65 trạm cân cố định và cân xách tay như hiện nay, chưa đủ để kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông mà chủ yếu tập trung trên các quốc lộ trọng điểm.
Thêm hình thức phạt
“Nhiều doanh nghiệp vận tải trước đây không tin chủ trương kiểm soát tải trọng xe thành công, nhưng nay họ đã tin. Nhưng để củng cố niềm tin cần làm đến nơi đến chốn. Nếu chùng xuống sẽ thành “ném đá ao bèo”. Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam |
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Thêm một lý do mà các doanh nghiệp vận tải “lập lờ” về tải trọng xe hiện nay là cách tính tổng tải trọng xe (hay tải trọng trục xe). Vì vậy, về lâu dài cần đưa mức vi phạm chở quá tải trên 50% vào hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Đặc biệt, tới đây thực hiện thí điểm xử lý các trường hợp chủ xe, khi lái xe vi phạm cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác, lực lượng chức năng sẽ khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu hoàn toàn chi phí phát sinh.
Trước thực tế này, Bộ GTVT đã họp với Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải, trong đó Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý với đề xuất chỉ xử phạt vi phạm về tổng tải trọng xe khi đang lưu thông, còn việc xử lý tải trọng trục sẽ có lộ trình. Theo đó, để ngăn chặn xe quá tải, lực lượng chức năng sẽ có quyền xử lý nghiêm cả bốn tác nhân gồm: Chủ hàng, xếp dỡ, chủ phương tiện, lái xe và siết chặt kiểm tra tại nơi xếp hàng; đồng thời phạt lũy tiến đối với xe chở quá tải, căn cứ vào nơi xuất phát để tính số km quãng đường vi phạm của xe quá tải.
Nếu áp dụng phạt lũy tiến, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, số tiền xử phạt sẽ tăng theo cả trọng lượng quá tải và số km xe quá tải vi phạm. Biện pháp này sẽ làm tăng mức phạt lên rất cao, giúp chấm dứt được tình trạng chạy chọt, đút lót khi qua các trạm cân. Nếu qua được trạm trước, trạm sau sẽ bị xử lý. Việc xác định quãng đường xe vi phạm chạy dựa vào các hóa đơn chứng từ đi theo hàng, để xác định điểm đầu của hành trình và điểm cuối là nơi bị xử phạt.
Việc siết chặt kiểm soát tải trọng xe hiện nay nhằm tạo thị trường lành mạnh, minh bạch về giá cước, không chỉ đối với đường bộ mà còn phù hợp giữa các loại hình vận tải khác nhau và không để tình trạng người chấp hành luật bị thiệt thòi, còn người vi phạm có lợi.
Tiến Hiếu