Ngày 3/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT), Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh”.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Một trong những giải pháp đang được thành phố tích cực triển khai là hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh.
Đầu năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04-CTr/TU về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể...
Trong bối cảnh, dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được mức tăng trưởng rất đáng khích lệ, nếu như quý I tăng 2,51%, thì quý II đã tăng lên 3,09% và quý III tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước và phấn đấu đạt 4,2% trong cả năm 2021. Hà Nội đã đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 67,7 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Qua đó, khẳng định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, ổn định an sinh xã hội mà thực sự là “trụ đỡ” cho nền kinh tế.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng.
Đơn cử như trong trồng trọt, bước đầu trên địa bàn thành phố đã có những cơ sở xây dựng nhà màng, nhà lưới với hệ thống tự động hóa trong điều khiển tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, canh tác không sử dụng đất; nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng cũng đang được áp dụng rộng rãi…
Mặc dù vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Một phần nguyên nhân đến từ năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế. Người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu còn theo cách làm truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là đầu tầu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn Hà Nội hiện còn quá ít…
Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhà khoa học, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao. Ở đó, lợi thế được cho là lớn nhất là trên địa bàn thành phố có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu. Cùng với đó là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư phát triển.
Trên cơ sở lợi thế sẵn có về nguồn trí thức, TS Lê Thành Ý (Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Cùng với đó, Hà Nội phải coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài.
Nhấn mạnh nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới phát triển, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao; từ đó nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh.
“Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh là vấn đề mà Hà Nội cũng như các địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh. Công tác khuyến nông cũng nên tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung…”, ông Đào Thế Anh khuyến nghị.
Một số chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất Hà Nội cần triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp đồng bộ; Tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc cũng là lĩnh vực cần được thành phố ưu tiên để có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn.