Xét nghiệm mẫu thực phẩm tại Trung tâm Y tế dự phòng Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Điểm nổi bật của Đề án về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới là đánh giá đúng, đầy đủ hơn vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong hệ thống y tế để đưa ra những giải pháp đổi mới, dành nguồn lực mạnh mẽ cho hai lĩnh vực được coi là “người gác cổng”, là “gốc” của ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bên cạnh những điểm nổi bật như mạng lưới, hệ thống dự phòng đã sớm hình thành và rộng khắp; khống chế kiểm soát được dịch bệnh, thay đổi được cơ cấu bệnh tật; tuổi thọ cao và cải thiện được chiều cao…, hiện nay y tế dự phòng, y tế cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn, không được coi trọng đúng mức.
Vấn đề lớn nhất là các cơ chế, chính sách đang được thiết kế theo hướng ưu tiên cho điều trị, coi “bộ mặt của ngành y tế là bệnh viện”. Điều đó dẫn đến thực tế dù có rất nhiều bệnh viện được đầu tư, xây mới, hiện đại, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Trong khi nguyên lý chung trên thế giới là đầu tư cho dự phòng để hạn chế người dân đến bệnh viện, rút ngắn thời gian điều trị. Đối với hệ thống y tế cơ sở, dù đã được đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, khoảng 30% người dân chưa đi khám bệnh định kỳ, khi phát hiện có bệnh thì đã nặng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Trọng tâm của Đề án phải coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc rễ, nền tảng, tập trung đầu tư cho những vùng thật sự khó khăn.
Những bất cập này đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở sử dụng từ nguồn bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
Một lĩnh vực khác được thảo luận sâu tại cuộc họp là hoạt động phân phối thuốc, quản lý giá thuốc đang gây bức xúc trong xã hội, làm công nghiệp dược trong nước chậm phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề bán thuốc không theo đơn đang là tồn tại lớn nhất của ngành dược. Không kiểm soát được thuốc kê đơn tại hơn 40.000 nhà thuốc trên khắp toàn quốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc, lạm dụng thuốc đáng báo động tại nước ta.
Vì vậy, cần kiên quyết chuẩn hóa lại hệ thống phân phối, từ bệnh viện đến nhà thuốc; đẩy mạnh cơ chế đấu thầu thuốc vừa bảo đảm không khan hiếm thuốc và người bệnh được dùng loại thuốc phù hợp nhất, có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất.
Việc quản lý các nhà thuốc bán lẻ theo hướng tất cả các nhà thuốc phải có thiết bị đọc quét mã vạch các loại thuốc, thực hiện bán thuốc theo đơn. Đặc biệt cần xem xét đẩy mạnh đấu thầu thuốc tập trung, quản lý xuyên suốt các loại thuốc từ đầu vào, phân phối đến từng nhà thuốc. Đơn cử sau khi đổi mới cơ chế đấu thầu thuốc từ năm 2013, giá thuốc biệt dược đã giảm gần 50%.
Trong lĩnh vực y học cổ truyền, Phó Thủ tướng đánh giá, dù có nhiều nỗ lực nhưng đề án cần phải xem xét đầy đủ những hạn chế như chưa chú trọng đúng mức đến kết hợp đông y, tây y; nghiên cứu khoa học về đông y chưa được chú trọng đúng mức; không đưa ra được các bằng chứng khoa học xác đáng về các bài thuốc y học cổ truyền để thuyết phục người dân.