Từ cuối năm 2019 trở về trước, khu vực xung quanh cống Ba Đa trên sông Hồng Quang đi qua địa phận xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện vẫn còn tình trạng lụp xụp lều tạm, quán bia, quán nước do người dân lấn chiếm xây dựng để kinh doanh. Những lều quán dựng sát một con đường có mật độ phương tiện qua lại lớn không chỉ ảnh hưởng đến công trình thủy lợi mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Sau nhiều lần phối hợp với xã Đoàn Tùng lập biên bản các hộ dân vi phạm, mới đây, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Thanh Miện đã phối hợp với xã Đoàn Tùng giải tỏa các vi phạm lấn chiếm, trả lại sự thông thoáng cho hành lang công trình thủy lợi và sự yên tâm của người dân khi lưu thông qua đây. Ngay sau khi giải tỏa, khu vực này đã được trồng hoa, vừa tạo cảnh quan vừa tránh bị tái lấn chiếm.
Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Thanh Miện thuộc Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương quản lý, vận hành hệ thống kênh dẫn với chiều dài trên 100 km, phục vụ tiêu cho trên 6.000 ha, tưới cho trên 3.600 ha diện tích canh tác.
Từ đầu năm 2020 đến nay, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Thanh Miện đã chỉ đạo lực lượng cán bộ và công nhân phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân giải tỏa rau bèo, vật cản trên lòng sông và hành lang công trình thủy lợi thuộc 53 tuyến sông trục và kênh dẫn với 960.000 m2 được giải tỏa khối lượng khoảng 275 m3 rác, rau bèo trên sông. Đến nay, cơ bản các tuyến sông trục và kênh dẫn do xí nghiệp quản lý đều thông thoáng, sạch đẹp, không bị rác thải và rau bèo cản trở dòng chảy, góp phần cung cấp nguồn nước đảm bảo tưới cho cây trồng.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Thanh Miện cho biết, công tác quản lý công trình được giao cho các cán bộ, công nhân xí nghiệp, gắn với nhiệm vụ thi đua của từng người. Hàng năm, xí nghiệp dành kinh phí trên 100 triệu đồng, huy động gần 1.000 ngày công lao động thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, xử lý rau bèo và vật cản trên 53 tuyến sông chính.
Nhờ đó, những năm qua, vi phạm công trình thủy lợi và ô nhiễm môi trường nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi của Thanh Miện đã giảm đáng kể. Từ năm 2012 trở về trước, trên địa bàn có trên 700 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi. Bằng việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý các vi phạm, tập trung vào các cầu tạm, bến bãi, cây trồng trong hành lang, lều quán…, đến nay chỉ còn 571 vi phạm.
Ông Đào Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng chia sẻ, thời gian qua, xã đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động người dân hiểu và nhận thức rõ trách nhiệm của người dân đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo dòng chảy phục vụ phòng chống úng. Xã đã nhiều lần vận động, thuyết phục các hộ vi phạm hành lang giao thông, thủy lợi. Tháng 1/2020, xã đã giải tỏa, cưỡng chế đối với các hộ ở khu vực cống Ba Đa, sau đó, tiến hành trồng hoa và cây đạch đàn từ cống Ba Đa đến xã Phạm Kha với chiều dài khoảng 1 km.
Để tránh tái lấn chiếm hành lang giao thông, thủy lợi, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, xã giao cho các đoàn thể quản lý, chăm sóc đường cây, thường xuyên kiểm tra. “Chúng tôi kiên quyết thực hiện tốt việc này trong thời gian tới, đảm bảo đường thông, dòng sông thoáng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân”, ông Phong khẳng định.
Tuy nhiên, Thanh Miện chỉ là một trong số ít địa phương của tỉnh Hải Dương đã ngăn ngừa tốt, xử lý hiệu quả các vi phạm công trình thủy lợi. Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho thấy, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 trường hợp vi phạm vào phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Chỉ tính từ 20/3 đến 20/4, tỉnh phát sinh thêm 31 trường hợp vi phạm và chỉ có 13 trường hợp được xử lý. Theo nhận định của ngành nông nghiệp Hải Dương, việc phát hiện các vi phạm mới còn chưa kịp thời, việc ngăn chặn và xử lý vẫn còn hạn chế. Nhiều vi phạm xảy ra do đối tượng vi phạm chưa hiểu biết pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Luật Thủy lợi đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ công trình thủy lợi. Để chủ động trong việc quản lý hệ thống công trình được tốt, tránh đùn đẩy trách nhiệm khi xử lý các vi phạm, tránh phát sinh vi phạm mới, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương mới đây cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi đề nghị tăng cường phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; trong đó, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng, vi phạm mới phát sinh.