Tình trạng này đã diễn ra gần một năm qua và đỉnh điểm nhất là những ngày gần đây.
Tại hai ống cống dẫn nước thải từ hồ điều hòa của Khu công nghiệp An Phú mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, lan rộng ra khu dân cư. Cá, ốc chết ngay cạnh cống được người dân vớt lên vì lo ngại mùi cá, ốc chết làm bầu không khí càng bị ô nhiễm.
Anh Kiều Văn Sung, thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa bức xúc: Việc xả thải kéo dài từ 17 giờ đến 21 giờ và khi xả thì mùi thối bốc lên cả xóm với màu nước cả đen lẫn đỏ.
Ngày 24/4, ông Nguyễn Thái Học (thứ 2 từ phải qua), Đại biểu Quốc hội khóa XVI đến kiểm tra việc xử lý nước thải tại KCN An Phú.
|
Nhà chị Nguyễn Thị Hạnh nằm cách họng cống của Khu công nghiệp khoảng 100 m. Gia đình chị phải đóng cửa liên tịc vì mùi hôi thối. Chị cho biết, việc xả thải ở Khu công nghiệp này ảnh hưởng không chỉ riêng gia đình chị mà cả khu dân cư ở đây đều phải chịu mùi hôi thối. Đặc biệt, thời gian gần đây Khu công nghiệp xả nước liên tục, cách một đêm xả một đêm, thậm chí đêm nào cũng xả.
Để tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng này, chúng tôi đã đến Trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp An Phú. Theo thiết kế, trạm xử lý này có công suất 200m3/ngày đêm. Tiêu chuẩn nước khi xả ra môi trường đạt loại A (theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.
Nước thải từ các nhà máy sản xuất trong Khu công nghiệp trước khi đấu nối về trạm phải được xử lý đạt tiêu chuẩn loại B). Tuy nhiên, hiện hai doanh nghiệp chế biến thủy sản là Công ty TNHH Thủy sản Hải Tinh và Công ty Cổ phần thủy sản Tôm Vàng chưa xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B vẫn được đấu nối về trạm xử lý nước thải chung của khu công nghiệp.
Lý giải vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần thủy sản Tôm Vàng cung cấp Hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải giữa công ty với Trung tâm dịch vụ công ích (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên). Còn bà Lý Thị Mây Băng Tâm, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Hải Tinh thì cung cấp Thông báo số 150/TB-UBND do ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký ngày 6/3/2017.
Thông báo nêu rõ, nhằm tạo điều kiện cho Công ty TNHH Thủy sản Hải Tinh hoạt động sản xuất trong mùa vụ hải sản, phục vụ các đơn hàng đã ký, chấp nhận đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế, cho phép Công ty TNHH Thủy sản Hải Tinh được đấu nối nước thải chưa qua xử lý vào Trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp An Phú, với lưu lượng khoảng 10 m3/ngày đêm trong thời gian 6 tháng để đơn vị đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Theo quy định, Công ty TNHH Thủy sản Hải Tinh và Công ty Cổ phần thủy sản Tôm Vàng phải xử lý nước thải tại nhà máy đạt tiêu chuẩn loại B. Sau đó nước thải này được đấu nối về Trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp An Phú để xử lý đạt chuẩn loại A trước khi xả ra bên ngoài môi trường.
Trong khi dó, hai doanh nghiệp này chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn loại B, dẫn đến quá tải, gây ô nhiễm. Cũng chính việc tiếp nhận nước thải từ hai doanh nghiệp này còn hạn chế nên dẫn đến chuyện doanh nghiệp xả trộm, xả lén qua đường nước mưa.
Việc hai doanh nghiệp được đấu nối nước thải thô về trạm xử lý tập trung dẫn đến nồng độ ô nhiễm nước thải tăng cao. Công suất xử lý giảm xuống còn 50m3/ngày đêm. Do việc tiếp nhận nước thải hạn chế nên đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp xả trộm qua đường dẫn nước mưa.
Theo ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, giải pháp trước mắt là cho xe bồn chuyển nước thải ở Khu công nghiệp An Phú sang Khu công nghiệp Hòa Hiệp để xử lý và quá trình vận chuyển được giám sát kỹ lưỡng. Đồng thời, Ban quản lý phải xây dựng hệ thống phun quay để hạn chế mùi hôi bốc ra xung quanh.