Quản lý nguồn tài nguyên nước - Bài 1: Thực trạng và giải pháp 

Quản lý tài nguyên nước bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi Việt Nam chủ động được chưa tới 30% nguồn nước, gần 70% còn lại là lượng nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang gây sức ép không nhỏ đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế. Vậy tại sao cần quản lý tài nguyên nước dựa vào tiếp cận thị trường? Cần có những chính sách, giải pháp cụ thể như thế nào để phát triển bền vững tài nguyên nước? 

Chú thích ảnh
Công trình hồ chứa nước Lanh Ra (Ninh Thuận) được xây dựng để tích nước phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Còn nhiều bất cập 

Quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường cần phải tuân thủ những nguyên tắc của thị trường để quản lý, một trong những nguyên tắc cơ bản là có cầu thì phải có cung. Như vậy nếu xem xét khía cạnh đầu vào nước là tài nguyên thì đầu vào tài nguyên nước là hệ thống kinh tế và tiêu dùng nước của xã hội. Còn đối với nhà quản lý, yêu cầu nước thải ra môi trường phải đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng nước sạch buộc các đối tượng sử dụng nước phải được xử lý hoặc giảm lượng nước thải ra môi trường. 

Việt Nam đã thực hiện một số công cụ chính sách quản lý dựa trên tiếp cận thị trường như thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí trong khai thác sử dụng nước, phí  trợ cấp tiền sử dụng nước, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải... Tuy vậy, quá trình thực hiện cho thấy những chính sách này còn bất cập, chưa phát huy được hết ưu thế của công cụ thị trường trong điều tiết khai thác sử dụng nước hiệu quả hơn, cũng như những chế tài nhằm giảm thiểu xả thải gây ô nhiễm môi trường. 

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ Tài nguyên và  Môi trường tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Quyết định số 59/2006/QĐ-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Đến nay số phí thu được từ các tổ chức, cá nhân xin cấp phép đối với quy mô thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt khoảng 2,96 tỷ đồng, trong khi hoạt động sản xuất chiếm trên 41% GDP của quốc gia. Theo thống kê dự toán từ ngân sách của Bộ Tài chính từ năm 2014 đến nay, tiền thu từ thuê đất, mặt nước chỉ chiếm từ 0,6% - 1,5 % trong tổng thu ngân sách. Điều này phần nào thể hiện rằng nguồn nước các ngành kinh tế đang sử dụng gần như miễn phí, đóng góp cho ngân sách không đáng kể.  

Đối với quản lý nước đầu vào, việc quy định tính thuế chưa phù hợp với điều kiện từng địa phương, mức thu thuế tài nguyên nước thấp, chưa thu đầy đủ và tương xứng với giá trị kinh tế do sử dụng nước. Chẳng hạn như tài nguyên nước được khai thác nhưng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, chưa được quy định rõ ràng và cũng rất khó có thể quy định một cách rõ ràng. Hơn nữa, việc điều tra và đánh giá nguồn tài nguyên nước gặp nhiều khó khăn và nhiều khi không được coi trọng ở hầu hết các địa phương, do vậy, gây rào cản trong tính và thu thuế tài nguyên nước. 

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sỹ Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp phép khai thác tài nguyên nước và cơ quan thuế chưa chặt chẽ, hệ thống thông tin về trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước tại địa phương chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc thu thuế tài nguyên nước, gây thất thoát nguồn thu. Ngoài ra, giá nước đối với dịch vụ thủy lợi và nước sạch còn chưa thu đúng, thu đủ, chưa tiếp cận trên phía cầu của người sử dụng, chưa có cơ chế giám sát sử dụng nước nông nghiệp nhằm bắt buộc nông dân nộp tiền nước dẫn tới thất thu trong chính sách giá dịch vụ tưới. 

Đối với quản lý nước đầu ra, việc thu phí nước thải công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn với số phí thu được còn rất thấp so với quy mô phát triển công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, việc thu phí nước thải sinh hoạt chưa được thực hiện trên cả nước, phí nước thải sinh hoạt chưa đủ bù đắp chi phí vận hành bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải, chưa tính tới các chi phí khấu hao và đầu tư mới cần thiết. Đặc biệt, trong hoạt động khai thác khoáng sản, nước thải từ khai thác khoáng sản chủ yếu là nước mưa hoặc các loại hình như khai thác cát thì không sử dụng nước nhưng nằm trong đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải, do vậy, công tác tính toán lưu lượng nước thải và áp dụng mức thu cho các đối tượng này gặp khó khăn. 

Cần cải thiện và bổ sung chính sách 

Để quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả, công bằng và bền vững, ngành nước cần nỗ lực cải thiện và bổ sung chính sách để khắc phục tình trạng này dựa trên những nguyên lý cơ bản của thể chế kinh tế thị trường. Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: Thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí tài nguyên nước cần được đánh giá đầy đủ dựa trên giá trị gia tăng mà nước mang lại cho nền kinh tế, căn cứ dựa trên quy hoạch nước và phân phối nước cho các mục đích sử dụng khác nhau. Đồng thời, nhìn nhận quan điểm định giá nước là cần thiết dựa trên giá trị kinh tế của nước với các mục tiêu cạnh tranh như: nước sử dụng cho sinh hoạt, nông nghiệp, giao thông đường thủy và nuôi trồng thủy sản. Mỗi mục đích sử dụng sẽ có một mức giá nước riêng, phụ thuộc vào chất lượng nước yêu cầu, phương thức sử dụng, chi phí cơ hội, ngoại ứng môi trường. Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng mức giá nước cao tạm thời như Ôxtrâylia đã thực hiện khi diễn ra tình trạng khan hiếm nước ở các thành phố, biện pháp này sẽ giúp điều phối nguồn nước giữa các khu vực, góp phần đảm bảo cung cấp nước liên tục cho người dân. 

Ngoài ra, ngành nước cần sớm hoàn thiện hệ thống thông tin quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo thông tin đầy đủ để thuận tiện cho việc áp dụng, vận hành các công cụ thị trường trong quản lý tài nguyên nước; hoàn thiện các quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: làm rõ cơ sở sản xuất như thế nào là quy mô tập trung để dễ dàng xác định đối tượng cần nộp phí bảo vệ môi trường công nghiệp cũng như ngăn chặn hành vi trốn tránh nộp phí, làm rõ cách tính phí đối với doanh nghiệp khai thác cát, khoáng sản...Cụ thể, mức phí bảo vệ môi trường cần bao hàm đầy đủ chi phí xử lý nước thải, ít nhất là chi phí vận hành bảo dưỡng hệ thống xử lý, chi phí khấu hao và đầu tư nâng cấp mới hệ thống xử lý nước thải. 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉnh chính sách thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đảm bảo nguyên tắc người hưởng lợi phải trả tiền; mở rộng công cụ chính sách quản lý nhà nước dựa trên tiếp cận thị trường bằng cách khuyến khích việc dán nhãn sinh thái và tuyên truyền cho người tiêu dùng các sản phẩm tiết kiệm nước. Hơn nữa, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích kinh tế đối với những ngành, lĩnh vực và các đối tượng sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng và tuần hoàn nước.

Bài cuối: Chú trọng quy hoạch tài nguyên nước

Diệu Thúy  (TTXVN)
Quản lý tài nguyên nước - Bài 2
Quản lý tài nguyên nước - Bài 2

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long rất cần một mô hình kinh tế dựa vào thiên nhiên bền vững để thay thế cho việc tổ chức sản xuất lúa vụ hai, vụ ba trước khi thực hiện những thay đổi căn bản về quản lý nước. Vấn đề này được xem là thách thức vô cùng lớn, nhưng là nền tảng quan trọng để triển khai chiến lược quản lý tài nguyên nước trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN