Quan tâm đúng đến chỉ dẫn địa lý, giúp nâng cao giá trị sản phẩm

Sáng 1/12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”. Hội thảo do Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các định hướng, khuyến nghị về xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý, để phát triển các sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: "Xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương cho sản phẩm địa phương là yêu cầu thực tế và là biện pháp hiệu quả để phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, đồng thời cũng là một quá trình đầu tư lâu dài và đòi hỏi cam kết, nỗ lực của nhiều bên tham gia từ người nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức đến chính quyền các cấp tại địa phương". Ảnh: Vietnamplus.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ "Chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương". Chương trình là dự án ODA do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp triển khai theo phương thức Quốc gia điều hành.  

Đồng thời là một hoạt động trong khuôn khổ "Hội chợ đặc sản vùng miền năm 2016"  do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức, nhằm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của UBND thành phố Hà Nội.

Theo BTC, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và xem xét các mô hình thành công trong và ngoài nước, qua đó hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hàng nông sản và đặc sản vùng miền, cũng như xác định phương thức phát triển thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý. 

Đặc biệt, thông qua các bài phát biểu của các chuyên gia, nhà quản lý, cũng giúp cho địa phương và doanh nghiệp các vấn đề luật pháp về chỉ dẫn địa lý, để hiểu rõ hơn về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới rất giàu tiềm năng về nông sản, là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo cà phê, tiêu và dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây công nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, Chè Thái Nguyên, cốm Làng Vòng, tỏi Lý Sơn, chuối Ngự Đại Hoàng…


Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt là tư khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.


Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp. sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, kỹ năng kinh doanh thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản.


Để có thể phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đặc biệt là để đặc sản các vùng miền Việt Nam giữ vững thị trường trong nước, tiến tới mở rộng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết.


Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm; việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng, cần thiết.

Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN.

"Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như: Ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, cốm làng Vòng, bún Phú Đô, giò chả Ước lễ, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi…; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ, phối hợp nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức các chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội. Hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã có mặt tại các kênh phân phối tại Hà Nội và được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích, tin dùng", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.


Cũng theo ông Nguyễn Doãn Toản, Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”, Hội nghị “Giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh/thành phố 2016” (chiều 1/12) và Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016” (khai mạc tối 1/12), đều do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp chỉ đạo tổ chức, là minh chứng rõ nét và thiết thực nhất thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương và các cơ quan Trung ương, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu thông qua chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương; nhằm phát huy và nâng cao giá trị, phát triển bền vững và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước.


Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) giới thiệu các vấn đề luật pháp về chỉ dẫn địa lý; PGS.TS Lê Thị Thu Hà, chuyên gia tư vấn trình bày về "Thực trạng xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hàng hóa nông sản- Phương thức tăng giá trị bằng chỉ dẫn địa lý"...


PT
Hội tụ đặc sản các vùng miền tại Thủ đô
Hội tụ đặc sản các vùng miền tại Thủ đô

Hội chợ là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, qua đó bảo tồn và phát triển được nét văn hóa truyền thông, đặc trưng của các vùng miền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN