Tình trạng nứt, gãy nền đất tiếp tục diễn ra tại khu vực trung tâm xã và nhiều công trình quan trọng, đe dọa sự an toàn của hơn 450 học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình cùng 44 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu trong bản.
Vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Điện Biên do ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông đã trực tiếp về bản Tìa Dình C kiểm tra thực địa, có ý kiến chỉ đạo bước đầu việc khắc phục sự cố.
Theo báo cáo của UBND xã Tìa Dình, ngày 24/9/2014, vết nứt đã xuất hiện trong khu vực bản Tìa Dình C, uy hiếp khoảng 25 hộ dân với 80 nhân khẩu và 1 trạm y tế xã. Trước tình hình này, chính quyền xã Tìa Dình đã vận động, tuyên truyền và khuyến cáo các hộ dân trong bản chủ động cảnh giác khu vực có nguy cơ sạt lở.
Đến ngày 30/8/2018, vết nứt tiếp tục mở rộng thêm ở khu vực trung tâm, nâng tổng số hộ dân bị ảnh hưởng lên 44 hộ. Nhiều công trình quan trọng khác gồm: Trường tiểu học, trụ sở UBND xã, Bưu điện văn hóa xã cũng bị ảnh hưởng sụt, lún, nứt, gãy.
Trong các ngày 31/8 và 1/9/2018, sau những trận mưa lớn kéo dài xảy ra trên địa bàn thì chiều dài vết nứt có nguy cơ sạt lở, sụt, lún lên đến khoảng 1.000 m; làm sập 4 nhà dân, 10 nhà dân nứt vỡ tường, gần 10 lớp học của Trường Tiểu học Tìa Dình bị nứt tường,...
Khảo sát hiện trạng khu vực trong bản Tìa Dình C vẫn thấy xuất hiện nhiều vết nứt dài với chiều rộng từ 20 - 30 cm, cá biệt có vết nứt rộng đến 50 cm, sâu từ 1,5 - 2 m. Riêng vết nứt ở độ cao từ 20 - 30 m trên núi cũng có xuất hiện vết nứt mới có chiều hướng phát triển thêm về phía Đông. Trong bản Tìa Dình C, có vài căn nhà sát khu vực sạt lở bị nghiêng ra phía dưới khoảng 1,5 độ. Trụ sở làm việc của UBND xã Tìa Dình có hiện tượng bị nghiêng ra phía sau.
Trong các ngày 11 và 12/9 vừa qua, UBND huyện Điện Biên Đông đã vào kiểm tra thực tế, yêu cầu Trường Tiểu học Tìa Dình không để học sinh học tại các phòng học bị nứt tường và đã cho làm mới nhiều phòng học tạm, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Đồng thời chỉ đạo chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện phương án di chuyển tạm thời đối với người dân, đề cao tinh thần cảnh giác, nhất là vào thời điểm xảy ra mưa, đêm tối.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Điện Biên cùng đại diện chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Tìa Dình đã kiểm tra thực địa, đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu, mức độ nguy hiểm đối với tổng thể khu vực xảy ra hiện tượng nứt, gãy, sụt lún; kiểm tra thực tế các điểm nứt, gãy, sụt lún tại nhiều nhà dân.
Đồng thời, đoàn cũng đi khảo sát các địa điểm trong 2 phương án di dời mà chính quyền xã Tìa Dình đã nêu ra. Đó là khu đất ở vị trí “yên ngựa” đối diện với Trạm y tế mới, thuộc tiểu khu 785, 787 các khoảnh 8 và 5 với tổng diện tích hơn 14ha, cách trung tâm xã khoảng 1km; khu đất nằm cạnh cầu Chua Ta A và Chứa Tủa B trong tiểu khu 795 thuộc khoảnh 2 với tổng diện tích hơn 10ha, cách trung tâm xã 3km. Quá trình làm việc tại trụ sở xã Tìa Dình, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã phân tích hiện trạng, nguy cơ sạt lở, các mặt thuận lợi, khó khăn của phương án di dời.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến đề nghị ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo huyện Điện Biên Đông và xã Tìa Dình cần thông báo cho các hộ dân nằm trong vùng sạt lở tình hình, hiện trạng khu vực.
Cùng với đó, địa phương phải luôn sát sao theo dõi, quan trắc thực địa và ngừng các hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm xác định mức độ, phạm vi sạt lở, có phương án di tán dân khi nguy hiểm để tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền.
Như TTXVN đã đưa tin, Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) là xã nghèo, thuộc vùng cao, vùng sâu của tỉnh Điện Biên, nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km. Từ tháng 9/2014, tại bản Tìa Dình C (trung tâm xã Tìa Dình) đã xuất hiện tình trạng rạn nứt, đứt gãy nền đất và Trạm Y tế xã là công trình bị ảnh hưởng đầu tiên.
Hiện tại, cuộc sống sinh hoạt của người dân tại khu vực này bị đảo lộn, người dân lo lắng, hoang mang. Để đảo bảo an toàn tính mạng và tài sản, nhiều người dân đã bỏ di chuyển đến chỗ khác ở tạm.
Hiện, chưa có một kết luận chính thức nào từ phía cơ quan chức năng, chuyên môn về nguyên nhân xuất hiện vết nứt dài hơn 1.000 m trên núi và hiện tượng nứt, gãy, sụt lún nền nhà của người dân khu vực bản Tà Dình C.