Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), với tiến độ hiện nay, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện khai thác thương mại trong quý 4/2018. Ban Quản lý dự án đường sắt đã cung cấp các dữ liệu vận hành để Sở GTVT Hà Nội xây dựng phương án kết nối vận tải giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác, đáp ứng tối ưu nhu cầu hành khách.
Vấn đề trung chuyển hành khách đi đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với đường bộ đang được Hà Nội xây dựng phương án. |
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, phương án kết nối vận tải phải đảm bảo kết nối thuận tiện giữa mạng lưới xe buýt với các nhà ga trên tuyến đường sắt theo hướng vừa đảm bảo cự ly đi bộ trung chuyển của hành khách ngắn nhất, vừa đảm bảo tốc độ khai thác của xe buýt.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) thông tin, hiện chưa có phương án kết nối cuối cùng, nhưng cách thức kết nối cơ bản được đưa ra là tạo ưu tiên kết nối bằng xe buýt theo trục dọc của đường sắt. 12 nhà ga dọc tuyến là các điểm trung chuyển trực tiếp hành khách từ xe lên ga tàu và ngược lại, rút ngắn nhất khoảng cách đi bộ của hành khách khi đi bằng tàu và xe buýt.
Qua tìm hiểu, mục tiêu của Hà Nội là cung cấp tối đa năng lực giải tỏa hành khách của tuyến đường sắt tại các nhà ga, gom và cung cấp khách từ QL6 tới các hướng ngoài lộ trình tuyến đường sắt và ngược lại. Do đặc thù năng lực vận chuyển của đường sắt sẽ lớn hơn nhiều lần so với xe buýt, nên việc phân chia cũng được tính toán để cân bằng các tuyến buýt giữa các nhà ga, không để xảy ra ùn tắc cục bộ tại ga nào.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội sẽ bố trí các điểm dừng xe buýt sát các ga, tổ chức làn đường riêng cho xe buýt đón và khu vực đón trả khách riêng. Hệ thống biển báo điểm dừng có ký hiệu riêng để hành khách dễ dàng nhận biết.
Ngoài ra, phương án giá vé đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu, dự báo, tính toán theo hướng phù hợp nhất để thu hút hành khách.