Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại ‘lỡ hẹn’ vì thiếu vốn?

“Thiếu vốn để trả cho nhà thầu phụ thi công vẫn là nguyên nhân chính khiến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có thể 'lỡ hẹn' vận hành thử trong tháng 10/2017 này”, đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho hay.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, đến tháng 9/2017, dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được 95% hạng mục xây dựng cơ bản. Phần việc còn lại không nhiều, chủ yếu là các hạng mục hoàn thiện như đường nội bộ, hàng rào ở khu Depot, công tác hoàn thiện các nhà ga… Một số hạng mục xây dựng phải chờ lắp đặt xong thiết bị mới tiến hành hoàn thiện, nhưng thiết bị chưa về, nên chưa thể làm tiếp.

Công nhân nhà thầu dự án vẫn thường xuyên phải bảo trì, kiểm tra hệ thống đường sắt.

Hiện nay, các nhà thầu thi công vẫn đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ các hạng mục cuối cùng của dự án. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn vốn chi trả cho nhà thầu phụ, nên mục tiêu vận hành thử đoàn tàu trong tháng 10/2017 có thể bị lùi lại đến cuối năm. Số tiền tổng thầu chậm chi trả cho nhà thầu phụ đã ở mức 600 tỷ đồng, nên nhà thầu phụ rất khó khăn về vốn.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài gần 13 km, thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Sau khi điều chỉnh, đến thời điểm này tổng mức đầu tư của dự án là 8,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Giữa tháng 5/2017, Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho dự án đã được ký kết giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Sau ký kết, hai bên sẽ phải hoàn thiện thư pháp lý để khoản vay này có hiệu lực.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã nhiều lần giải trình với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và China Eximbank để đàm phán các điều khoản liên quan đến pháp lý của 2 nước. Được biết, nguồn vốn vay bổ sung hiện đã được phía China Eximbank cấp và đang chờ thủ phân bổ.

Theo mục tiêu đặt ra, đến cuối tháng 9/2017, dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống; thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Tuy nhiên, với tình hình nguồn vốn chậm giải ngân, các mục tiêu này khó có thể đạt tiến độ. Đến thời điểm này, việc “khơi thông” nguồn vốn đã bị chậm tới gần 5 tháng.

Ngày 20/5/2017, dự án đã mở cửa cho người dân Hà Nội tham quan nhà ga La Khê (Hà Đông) mẫu và đã thu hút hàng vạn người dân đến xem. Điều này cho thấy sự quan tâm của người dân Thủ đô đối với dự án đường sắt đô thị đầu tiên này rất mong chờ.

Trước đó, tháng 2/2017, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên đã được phía Trung Quốc bàn giao và đặt tại điểm ga La Khê. Kế hoạch tiếp nhận 12 đoàn tàu còn lại là từ tháng 6 - 7/2017. Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án, đoàn tàu tiếp theo sẽ được phía Trung Quốc giao cho Việt Nam cuối tháng 9/2017.

Thực tế, nếu dự án tiếp tục “lỡ hẹn”, không chỉ gây tốn kém chi phí cho nhà thầu thi công, vì phải duy trì máy móc thiết bị tập kết tại hiện trường, mà còn gây bức xúc dư luận về tiến độ dự án.

Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại ‘nghẽn’ vì thiếu vốn
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại ‘nghẽn’ vì thiếu vốn

Sắp đến hẹn chạy thử nghiệm vào tháng 10/2017, nhưng nhiều hạng mục dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang dừng thi công, khiến dự án khó cán đích vì thiếu vốn triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN