Chất thải nhựa, túi nilon đã và đang là một thách thức không nhỏ với xã hội hiện đại vì sự tác động tiêu cực lớn của chúng với môi trường. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
|
Hơn 80% rác thải ở đại dương có nguồn gốc từ đất liền
Hằng năm, hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa được sản xuất trên thế giới, một nửa trong số đó gồm các sản phẩm chỉ sử dụng 1 lần như túi mua sắm, cốc nhựa và ống hút. Chất thải nhựa có thể được tìm thấy ở hầu hết các khu vực ven biển và ngay cả ở đáy biển. Hơn 80% rác thải ở đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Rác thải nhựa trên biển ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đại dương, an toàn thực phẩm, an sinh con người và hoạt động du lịch biển, cũng như góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Nếu không được kiểm soát, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tăng lên mức báo động với hơn 8 triệu tấn rác thải đổ vào đại dương mỗi năm, tương đương với trọng lượng 1 chiếc xe tải trong mỗi phút. Nếu tình hình phát triển kinh tế không có gì thay đổi, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Theo nghiên cứu từ năm 2015, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và Thái Lan nằm trong 6 quốc gia đứng đầu thế giới về lượng chất thải nhựa ở biển, tương ứng với khoảng 60% nguồn ô nhiễm trên toàn cầu. Một nghiên cứu khác cho thấy hơn một phần tư lượng rác thải nhựa ở biển trên thế giới có thể bắt nguồn từ 10 con sông chính, và 8 trong số đó bắt nguồn từ châu Á.
Một trong những quốc gia được nhắc tới là Thái Lan. Được biết đến với những bãi biển và các rặng san hô đẹp, tỉnh Trat, thuộc bờ biển phía Đông Thái Lan, hiện đang đối mặt với ô nhiễm rác thải nhựa đổ ra biển mỗi ngày. Mặc dù có nhiều nỗ lực quản lý môi trường ở Trat, việc xử lý chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa, vẫn là thách thức lớn. Theo bà Natsini Intaraprasert, một trưởng làng lâu năm thuộc khu vực Mairood - nơi có bãi chôn lấp rác thải lớn thì ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề khó quản lý nhất. Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân hàng đầu tác động tiêu cực đến môi trường biển trên toàn thế giới.
Tạo sức mạnh nhờ phối hợp kiến thức cộng đồng
Chất thải nhựa, nilon và rác thải sinh hoạt ứ đọng gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư trên đường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
|
Thông qua Dự án nhựa và cộng đồng ven biển với nguồn vốn hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên châu Á phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các cơ quan khu vực ở Thái Lan, Việt Nam, Kenya, Mozambique và Nam Phi đánh giá hiện trạng, tác động ô nhiễm chất thải nhựa. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia và cải cách về luật để giảm ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.
Đến nay, các quy chuẩn và chỉ số theo dõi cụ thể ảnh hưởng của chất thải nhựa vẫn chưa có. Do đó, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên châu Á đang làm việc với các chuyên gia nhằm phát triển các công cụ tính toán ảnh hưởng của chất thải nhựa, nhằm giúp các doanh nghiệp khép kín chu trình liên quan đến nhựa bằng việc hợp nhất dữ liệu, lượng hóa quy mô di chuyển của nhựa và phát triển các giải pháp hỗ trợ quá trình ra quyết định.
Liên minh kết nối khu vực nhà nước và tư nhân thông qua hợp tác đa bên, tận dụng các nền tảng sẵn có của các bên, không sao chép cách thực hiện của mỗi bên, sẽ cộng hưởng được những nỗ lực thực hiện từ hai khu vực này. Ở Việt Nam, Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà gồm các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp địa phương đã tổ chức 3 chương trình làm sạch biển quy mô lớn với hơn 300 tình nguyện viên, thu gom gần 4 tấn rác dọc theo 4 km bờ biển. Hơn 60% lượng rác thu gom là phao xốp. Liên minh đã làm việc với UBND thành phố Hạ Long để cấm sử dụng phao xốp trên vịnh Hạ Long và tìm các giải pháp thay thế cho việc sử dụng phao xốp. Tại Thái Lan, Liên minh đang triển khai một nền tảng để hỗ trợ chính phủ và doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường, bao gồm vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển thông qua các thực hành có trách nhiệm với môi trường.
Thông qua một dự án khởi xướng bởi chương trình Rừng ngập mặn cho Tương lai, chương trình hợp tác giữa Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên và Chương trình phát triển Liên hợp quốc, tài trợ cho các quỹ ở 11 quốc gia, cộng đồng đã bắt đầu phân loại rác, ủ phân, tái chế rác thải và đang tìm cách giảm lượng rác thải xuống 80%. Dự án cũng giúp kết nối cộng đồng với một công ty tái chế lớn, nơi mua rác thải đã được phân loại, giúp dân tạo ra thu nhập.
Theo bà Aban Marker Kabraji, công việc cộng đồng sẽ hiệu quả, bền vững nếu người dân được trao quyền. Các dự án quản lý rác thải dựa vào cộng đồng không đòi hỏi công nghệ cao nhưng ngăn chặn được một lượng rác thải nhựa lớn có thể bị thải ra biển. Dựa vào cộng đồng là một bước tiến quan trọng để giải quyết vấn đề rác thải ở quy mô toàn cầu.
Các chuyên gia môi trường thuộc Liên minh cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp bách, cần có sự thay đổi mô hình, từ “mua-sử dụng-vứt bỏ” sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Các chính phủ nên xem xét việc đưa ra các khung chính sách toàn diện về việc thu thập, xử lý chất thải hiệu quả hơn, cũng như ưu đãi cho hoạt động tái chế nhựa. Các công ty nên được khuyến khích thực hiện giải pháp giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ chất thải nhựa và rò rỉ chất thải nhựa trong hoạt động của chuỗi cung ứng. Điều cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là việc thay đổi hành vi người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Sự kết hợp của các nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất, sự chuyển đổi chính sách mạnh mẽ và những nỗ lực từ các lĩnh vực khác nhau sẽ góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.