Hưởng ứng Tuần lễ Nước Quốc tế (23-28/8), Mạng thông tin toàn cầu của Tập đoàn Nestlé có trụ sở ở Vevey, Thụy Sỹ đã đăng tải thông tin về sáng kiến của nông dân Việt Nam giúp tiết kiệm nước trong sản xuất cà phê.Theo đó, trên những vườn cà phê Việt Nam, các vật bị bỏ đi lại được tái sử dụng với mục đích mới, trở thành công cụ giúp nông dân tiết kiệm nước. Cụ thể, những vỏ lon sữa đặc rỗng được sử dụng để đo lượng mưa. Những chai nhựa được đặt úp trong đất có thể đo độ ẩm của đất. Những công cụ này sử dụng đơn giản, gần như không tốn chi phí gì, dễ dàng phổ biến tại các nông hộ nhỏ trồng cà phê tại Việt Nam.
Ảnh minh họa trên website tập đoàn Nestlé. |
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới và có tới 2,6 triệu người có đời sống kinh tế phụ thuộc vào cây cà phê. Phần lớn diện tích cà phê tập trung tại khu vực Tây Nguyên, tại đây 96% lượng nước sử dụng cho canh tác nông nghiệp.
Tình trạng thay đổi khí hậu và việc sử dụng lãng phí nguồn nước trong nông nghiệp đồng nghĩa với với việc khan hiếm nước là một mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với ngành công nghiệp cà phê.
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé cho rằng, một cách để giải quyết vấn đề nước nhanh chóng trên diện rộng là sử dụng những công cụ chi phí thấp mà người nông dân có thể dễ dàng áp dụng, và hướng dẫn cho những nông dân khác sử dụng những công cụ này.
“Cà phê ở Việt Nam được trồng trong những trang trại nhỏ có diện tích khoảng từ 2 tới 3 ha. Do đó những kỹ thuật quản lý quy mô lớn thường khó thực hiện, tuy nhiên những công cụ sáng tạo từ sáng kiến của người nông dân thực sự rất hữu ích”, ông Ngọc cho biết.
Minh họa sáng kiến của nông dân quản lý nguồn nước tưới cà phê.
|
Bằng cách đặt một chai nhựa úp xuống đất và quan sát mức độ nước tụ lại trong chai, người nông dân đã có một công cụ để đo độ ẩm của đất. Khi những giọt nước nhỏ trở nên khan hiếm, người nông dân biết rằng đã đến lần tưới đầu tiên trong mùa khô. Ông Ngọc đã giúp phổ biến phương pháp này tới gần 20.000 nông dân trong mạng lưới “Kết nối nông dân” tại Việt Nam, những người cung cấp cà phê trực tiếp cho Nestlé.
Sự khéo léo chưa dừng lại ở đó. Sau lần tưới đầu tiên, người nông dân sử dụng một vỏ lon sữa bò để đo lượng nước mưa mà cây cà phê hấp thu được - điều này giúp người nông dân điều chỉnh lượng nước tưới trong suốt mùa khô. Ví dụ, một vỏ lon sữa bò chứa 1 phần 6 lượng nước mưa trong đó, anh ta biết được là cây cà phê gần đó đã tiếp nhận khoảng 100 lít nước.
Trong khi nông dân ở nhiều nước phát triển có thể áp dụng các phương pháp phức tạp hơn để giảm lượng nước tưới, phương pháp cơ bản này và việc phổ biến phương pháp này tới các nông hộ nhỏ thực sự hiệu quả đối với khu vực trồng cà phê tại Việt Nam.
Theo một khảo sát trước đó của Nestlé, nông dân trồng cà phê, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, đang sử dụng một lượng nước trung bình gấp 3 - 4 lần mức cần thiết trong cao điểm mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4.