Điều đặc biệt là sâu lạ này chỉ tấn công trên diện tích giống tràm Úc. Còn tràm ta ở các phân lâm, trường lại không bị sâu tấn công. Qua thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Mỹ Tú đã có khoảng 150 ha rừng tràm Úc bị sâu cắn phá.
Loại sâu này có chiều dài khoảng từ 4 - 5 cm. Có con nhỏ như cây tăm, nhưng cũng có con lớn gần bằng đầu đũa. Mình sâu trơn không có lông, màu xanh. Chúng chỉ bò lên ngọn tràm khi trời tối để ăn lá non, lúc nắng nóng thì ẩn dưới thân và gốc tràm. Khi phun thuốc, chúng chạy tránh chứ không nằm yên như những loài sâu khác.
Loại sâu lạ này đã xuất hiện trên địa bàn huyện Mỹ Tú cách đây khoảng một năm nhưng từ 2 - 3 tháng trở lại đây, sâu tấn công mạnh vào vườn tràm từ 1 - 1,5 năm tuổi đang cho lá non. Đáng lo ngại là không chỉ xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú) có diện tích tràm hơn 600 ha; trong đó, bị sâu hại khoảng 130 ha, thì các địa phương lân cận cũng đang có nguy cơ lây lan sâu bệnh. Người trồng tràm hiện rất mong ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp giúp diệt trừ loại sâu này.
Theo ông Võ Minh Quân, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Mỹ Tú, qua kiểm tra, địa phương vẫn chưa biết đây là loại sâu gì, nên ngành chức năng đã cho bắt lấy mẫu sâu gửi về các viện, Trường Đại học ở Cần Thơ để phân tích khoa học, theo dõi tập quán sinh sống và định danh loài sâu lạ này nhằm tìm biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.
Cũng theo cán bộ phòng nông nghiệp, những năm trước, tràm Úc trồng 4 năm tuổi được thương lái mua với giá 7 - 10 triệu đồng/công (1.000 m2). Hiện nay, giống tràm này có giá từ 20 - 25 triệu đồng/công. Người dân đã bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu để tràm mau lớn và thời gian trồng được rút ngắn còn 2,5 năm đến 3 năm.
Đồng thời, diện tích cũng liên tục được mở rộng. Do sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu đã khiến thiên địch bị tiêu diệt, nên bướm và sâu sinh sôi, đẻ trứng lên lá tràm mà không bị loài nào ăn, dẫn tới phát triển lây lan nhanh trong thời gian gần đây.