Không chấp nhận gian lận thương mại
Chia sẻ thông tin sau vụ việc rau chợ được gắn mác rau đạt chuẩn VietGap tuồn vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vừa qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là vấn đề gian lận thương mại và không ai có thể chấp nhận bất kỳ sự gian lận nào liên qua đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc gian lận này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính đã xây dựng các mặt hàng đạt chuẩn thực phẩm “sạch” rất lâu để có chỗ đứng trên thị trường, nay bị một số doanh nghiệp khác vì lợi nhuận mà gắn mác thực phẩm “sạch” để hưởng chênh lệch, gây mất uy tín cho các doanh nghiệp chân chính và mất niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm sạch.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để phát hiện thực phẩm sạch khó nhất là khâu đầu ra và ở khâu phân phối, bởi các cơ quan quản lý cũng không thể yêu cầu người tiêu dùng phải mua cái này, mua cái kia vì luật chưa bắt buộc. Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh chỉ luôn khuyến khích các siêu thị, các hệ thống bếp ăn trường học, nhà hàng khách sạn nhập thực phẩm đầu vào ít nhất phải đạt chuẩn VietGap hoặc GlobolGap.
“Vừa qua, một trong những giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn bày bán tràn lan trên chị trường là tăng cường, đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm “sạch”. Khi đông đảo người dân dùng thực phẩm “sạch” sẽ bớt đi thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với những người làm thực phẩm “sạch” là liệu có giữ được đúng chuẩn như đã cam kết ban đầu trước áp lực giá cả, cạnh tranh thị trường hay không", bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ thêm.
Ngoài ra, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc rau chợ gắn mác rau VietGap cũng không thể quy ra rau ở chợ là rau bẩn. Vì như thế, chẳng khác nào cho rằng người dân ăn thực phẩm ngoài chợ là không an toàn, thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Xét cho cùng, dù thực phẩm bán ngoài chợ hay trong siêu thị vẫn phải có kiểm nghiệm của cơ quan quản lý và khi đạt chuẩn mới được bán ra thị trường. Điểm khác của các loại thực phẩm này là đối với hệ thống siêu thị có hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn, thực hiện kiểm soát, kiểm nghiệm đầu vào dễ hơn. Còn tại các chợ truyền thống, dù có hệ thống quản lý nhưng chi phí thấp và thiếu nhân lực nên việc quản lý khó hơn. Chưa kể, bên cạnh các chợ truyền thống còn có chợ vỉa hè, chợ tự phát nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm…
Để kiểm soát chặt hơn vấn đế an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài yêu cầu các mặt hàng thực phẩm bày bán trong hệ thống siêu thị phải đạt các chuẩn, Ban Quản lý ATTP dự kiến yêu cầu các chợ đầu mối phải có những chuẩn cao hơn hiện tại. Ban cũng huy động mọi nguồn lực, bao gồm xã hội hóa để tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm.
Mỗi năm, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất khoảng 20.000 đơn vị liên quan đến thực phẩm. “Tất cả đều phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. Ngay việc các siêu thị lựa chọn nhà cung cấp thì nhà cung cấp cũng phải đáp ứng đầy đủ các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện ATTP để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.
Chủ động kiểm soát từ đầu vào
Hiện nay, để kiểm soát thực phẩm “sạch”, nhiều nhà bán lẻ hiện đại đã và đang siết chặt các quy định về chọn lựa hàng hóa đầu vào, trong đó tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể như tại Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart cho biết, trong quá trình kinh doanh, đơn vị thường xuyên thực hiện khảo sát, đánh giá trực tiếp quy trình sản xuất và các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa kinh doanh trong hệ thống. Ngay tại trung tâm phân phối, sản phẩm trước khi được đưa vào kinh doanh sẽ qua bước kiểm tra đầu vào đối với một số chỉ tiêu kháng sinh trong thủy hải sản, test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng và chất tẩy trắng.
Đối với công tác xét nghiệm, phòng Thí nghiệm của Saigon Co.op có công suất tối thiểu 24.000 mẫu/năm. Tại các điểm bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng có trang bị các thiết bị chuyên dụng cho các nhân viên kiểm soát chất lượng (QA) để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, kiểm tra nhanh hàn the, formol trong thực phẩm… Tất cả những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị loại ra khỏi quầy kệ kinh doanh ngay lập tức.
Theo các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm, việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế số lượng mẫu để được kiểm tra còn là khiêm tốn. Kết quả test nhanh mới chỉ có tính chất sàng lọc một số hoạt chất cơ bản, chưa phải là test chuyên sâu. Test chuyên sâu đòi hỏi phải nhiều ngày mới cho kết quả trong khi đặc thù thực phẩm tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn, nếu test cho kết quả không vi phạm thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ hàng. Trường hợp không giữ hàng, chỉ chọn mẫu test ra kết quả vi phạm thì hàng hóa cũng đã được bán đi, chỉ có thể phạt nguội, truy xuất nguồn gốc, cảnh báo.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong những năm vừa qua, kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm các loại thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh có kết quả 95% đạt yêu cầu, còn 5% đạt vi phạm. Riêng đối với những mặt hàng thuộc chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn, đạt tỷ lệ 97%. Nhưng đây là con số tổng thể, mang tính đại diện chứ các cơ quan chức năng không thể kiểm nghiệm tất cả mọi thứ trong khi tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh trái luật ngày càng tinh vi và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến đời sống…
“Ngay cả phía Ban Quản lý ATTP, mặc dù công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm là thường xuyên nhưng số lượng công việc phải làm rất nhiều, chưa kể còn tùy thuộc vào ngân sách”, bà Phong Lan lý giải.
Vì vậy, để kiểm soát được thực phẩm an toàn từ gốc đến ngọn, theo bà Phong Lan vẫn phải đòi hòi những giải pháp đồng bộ, trước tiên cần phải tăng cường, phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng, từ trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, tiêu dùng; công tác kiểm tra về ATTP cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ, mở rộng và kiểm tra sâu hơn…
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cần đổi mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý ATTP, nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ hơn nền tảng công nghệ số, mã vạch… để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm nhanh chóng nhất.