Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, theo kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019, các đối tượng tham gia chuỗi giá trị từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.
Ngoài việc khuyến khích đầu tư, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho hay, sẽ ưu tiên thanh tra đột xuất cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm... nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Bộ sẽ xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đưa sản phẩm vi phạm chất lượng ra lưu thông trên thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đảm bảo răn đe ngăn ngừa tái phạm. Năm 2018, ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất hơn 70.500 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 40 tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 271 trong số 2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh, chiếm 13,1%, giảm so với năm 2017 là 26,7%; 5 trong số 2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chiếm 0,2%, giảm so với năm 2017 là 0,63%...
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, trong quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, chậm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bộ máy quản lý, nguồn lực kiểm soát tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng để thực hiện các nhiệm vụ.
Ngoài ra, việc xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong kinh doanh rau, quả và thủy sản vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP Hà Nội, sự vào cuộc của các chính quyền địa phương, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa thường xuyên và quyết liệt, vẫn chủ yếu là nhắc nhở mà chưa tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất an toàn cao. Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, vẫn còn tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
“Do vậy, trong năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định, điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thành phố tăng cường thanh kiểm tra, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở vi phạm và công khai để người dân biết”, đại diện Chi cục TP Hà Nội nói.