Thông tin này vừa đã được Bộ GTVT bổ sung vào dự thảo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhất là đối với xe Uber, Grab.
Vì sao phải siết điều kiện hoạt động của Uber, Grab?Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), sau hơn 2 năm thí điểm hoạt động loại hình xe ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, hiện tại có 4/5 địa phương tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh (Đà Nẵng chưa triển khai); có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử. Tổng số hiện có trên 800 đơn vị vận tải, với trên 36.000 phương tiện tham gia thí điểm.
Taxi Thành Công lần đầu tiên ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ hành khách. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Việc thí điểm này đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với các loại hình vận tải khách khác.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, kinh doanh vận tải taxi là có điều kiện, hoạt động của xe hợp đồng dưới 9 chỗ, tiêu biểu là Uber, Grab bản chất lại hoạt động như taxi. Nhưng do nhiều người mua xe mới và xe taxi truyền thống chuyển sang chạy Uber, Grab thời gian qua đã làm cho số lượng xe gia tăng nhanh, phá vỡ quy hoạch xe taxi.
Thực tế, bất cập lớn nhất về quản lý Uber, Grab là điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng có thể tạo ra kẽ hở là lợi dụng hợp đồng điện tử để “lách luật”, tạo nên sự lộn xộn trong thị trường kinh doanh vận tải và cạnh tranh với taxi truyền thống.
Do đó, “hướng sửa Nghị định 86/2014 sẽ đảm bảo điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng công nghệ và xe taxi tương đương nhau, giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Tạo sự công bằng giữa các loại hình vận tảiDự thảo Nghị định 86 bổ sung, các đơn vị cung cấp phần mềm phải được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phù hợp, trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và phải được Bộ Công Thương xác nhận.
Các hãng taxi truyền thống cho rằng bị "bất công" về điều kiện kinh doanh Ảnh: HD |
“Hình thức hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam hiện nay khác nhau. Grab nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi, Uber vẫn là doanh nghiệp nước ngoài, chỉ nộp 5% thuế trên tổng doanh thu từ 20% đã ăn chia với lái xe. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các địa phương phải thanh tra hoạt động kê khai thuế kinh doanh dịch vụ vận tải Uber, Grab”, đại diện Tổng Cục Thuế cho biết. |
Đặc biệt, thay vì thỏa thuận hợp tác như hiện nay, đơn vị cung cấp phần mềm cũng phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải với các điều khoản cụ thể. Hãng cũng phải có logo của đơn vị với kích thước tối thiểu 90mm x 80mm. Logo này được cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải để niêm yết trên kính phía trước và kính phía sau xe thay vì chưa bắt buộc như hiện nay.
Về nghĩa vụ nộp thuế, để đảm bảo việc thu thuế công bằng, thay vì những quy định thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính như hiện nay, dự thảo Nghị định 86 nêu rõ: “Đơn vị cung cấp phần mềm phải phối hợp với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm để cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định; hóa đơn điện tử của chuyến đi không chỉ gửi tới tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách mà gửi đến cả Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.
Với các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng vận tải điện tử, dự thảo Nghị định quy định, chỉ được sử dụng phần mềm của các đơn vị cung cấp đã đăng ký và được Bộ Công thương xác nhận theo quy định; phải gửi thông tin hóa đơn điện tử của chuyến đi tới Tổng cục Thuế; phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định của Bộ GTVT.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các điều kiện để quản lý Uber, Grab như dự thảo Nghị định đưa ra đã đầy đủ, chặt chẽ. Quan trọng là hiệu quả thực thi trong thực tế và cần có cơ quan giám sát thực hiện quy định này. Riêng vấn đề thu thuế xe Uber, Grab, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần chịu trách nhiệm giám sát, quản lý chuyên ngành.
Không ít chuyên gia giao thông cho rằng, quản lý Uber, Grab phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hành khách - doanh nghiệp - Nhà nước thông qua các vấn đề về thuế, chấp hành các quy định pháp luật của Việt Nam.
Đặc biệt, trước ý kiến trái chiều cho rằng, Uber, Grab đã vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ thuế, vì số xe kinh doanh lớn, nhưng lại báo lỗ “khủng”, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục thuế) lý giải: Tổng doanh thu của Grab trong 3 năm 2014, 2015, 2016 là 1.755 tỷ đồng. Đây là tổng doanh thu đối với hoạt động vận tải thu của hành khách thông qua ứng dụng phần mềm. Tuy nhiên thực tế, doanh thu của riêng Uber, Grab được hưởng thấp hơn con số trên.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ theo quy định về quản lý thuế thì Uber, Grab thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm. Bộ Tài chính sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền để rà soát nguồn tài trợ vốn từ nước ngoài của Uber, Grab, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại nếu có.