Tại sao với những ưu thế vượt trội đem lại nhiều tiện ích cho hành khách; trong đó có dịch vụ đi chung của Uber, Grab lại bị cơ quan quản lý nhà nước “tuýt còi”? Thậm chí có ý kiến còn cho rằng quyết định trên đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Dịch vụ đi chung của Uber, Grab cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường. Nguồn: thesouthafrican.com |
Trước đó, từ tháng 5, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập. Dịch vụ này đã nhanh chóng thu hút thêm ngày càng nhiều hành khách sử dụng làm phương tiện đi lại và cũng vì thế mà Uber, Grab ngày càng chiếm ưu thế so với taxi truyền thống.
Công tác tại một công ty viễn thông thu nhập tương đối khá nhưng anh Nguyễn Anh Tâm không mua ô tô mà sử dụng dịch vụ của Uber, Grab làm phương tiện đi lại. Anh Tâm cho biết, anh thấy bất ngờ khi cấm dịch vụ đi chung của Uber, Grab.
“Phần lớn hành khách đều ủng hộ dịch vụ này không chỉ vì hành khách được lợi về giá cước, giảm chi phí đi lại mà thành phố cũng giảm được tình trạng ách tắc giao thông do giảm được số lượng xe phải vận hành trên đường cùng một lúc”, anh Tâm chia sẻ.
Theo anh Tâm, Uber, Grab là phương thức vận chuyển mới dựa trên tiến bộ công nghệ, tạo sự tương tác giữa khách hàng và nhà cung cấp rất thuận tiện. Đây là ưu điểm vượt trội của Uber, Grab so với taxi truyền thống. Đặc biệt sử dụng dịch vụ này, hành khách là người nước ngoài hoặc các ông bố, bà mẹ do bận rộn phải đặt xe đưa đón con cái đi học cũng sẽ yên tâm hơn vì đã có thông tin về lái xe cũng như giá cước ngay từ lúc đặt xe, không còn lo gặp phải taxi chạy lòng vòng để “chặt chém”…
Giải thích lý do cấm dịch vụ đi chung của Uber, Grab, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; không phù hợp với quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/01/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; không trong kế hoạch triển khai thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và hiện cũng chưa có quy định quản lý đối với hình thức vận tải này.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi cho hành khách và việc quản lý của cơ quan nhà nước, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND Thành phố Hà Nội thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại Văn bản số 6781/BGTVT-VT ngày 22/6/2017 về việc tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian chờ quy định của Bộ Giao thông Vận tải với hình thức vận tải này.
Không đồng tình với quy định trên của Bộ Giao thông Vận tải, anh Đỗ Hòa, quận Thanh Xuân cho rằng dịch vụ đi chung của Uber, Grab vừa tiết kiệm vừa thân thiện môi trường, giảm ùn tắc giao thông nhẽ ra phải khuyến khích chứ sao lại cấm? Theo anh Hòa, Bộ Giao thông Vận tải nên nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này thay vì phải cấm đoán.
Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, bất cập của việc cấm hình thức đi chung xe của xe chạy hợp đồng chính là nằm ở chính sách quản lý xe chạy hợp đồng của Bộ Giao thông Vận tải tại Thông tư 63 và 46.