Công ty đã làm việc với công ty sử dụng lao động Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) để đàm phán dứt điểm hướng giải quyết vụ việc. Theo đó, hai bên đã thống nhất phương án giải quyết như sau: Đối với 5 lao động có nguyện vọng tiếp tục ở lại làm việc, chủ sử dụng lao động, người lao động và công ty Simco Sông Đà sẽ ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới đã được thống nhất để 5 lao động trên tiếp tục ở lại làm việc cho công ty sử dụng lao động.
Lao động Việt Nam tại Công trường Ain Defla thuộc sự quản lý của Công ty Đông Nhất Giang Tô Trung Quốc. |
Đối với 52 lao động còn lại (trong đó bao gồm 1 đốc công và 1 phiên dịch) sẽ được làm thủ tục và về nước chậm nhất trong 10 ngày tới. Hai bên đã thỏa thuận thống nhất mức bồi thường hợp đồng là 1.700 USD/lao động và chi phí mua vé máy bay về nước cho người lao động. Theo đó, công ty Simco Sông Đà sẽ ứng tiền bồi thường hợp đồng và mua vé máy bay cho người lao động về nước.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo Công ty Simco Sông Đà chuẩn bị và báo cáo Cục phương án thanh lý hợp đồng để chủ động làm việc với người lao động sau khi về nước.
Được biết, đây là nhóm công nhân Việt Nam do Công ty Simco Sông Đà cử tuyển sang làm việc cho nhà thầu Trung Quốc tại một công trường xây dựng thuộc tỉnh Khenchela (Algeria). Theo các công nhân Việt Nam, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng khi sang đến bên này thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán. Các công nhân Việt Nam đã không đồng ý, phản đối và điều này đã dẫn đến việc họ bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung vào tối 16/9, khiến 2 công nhân là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường bị thương.