Thưa ông, hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày báo Tuần Tin tức ra số đầu tiên, ông có thể chia sẻ hồi ức về những ngày đầu thành lập?
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ không khí những ngày đầu khi báo Tuần Tin tức và trước đó là báo Thể Thao và Văn hóa ra đời: Đó là cảnh đám đông tập trung trước Phòng phát hành cơ quan TTXVN để chờ nhận báo, sau đó đi phân phối cho các đại lý. Khi ấy, những ấn phẩm dù in trên giấy thô ráp, nhưng không ít sạp báo bán cao hơn giá bìa do cung không đủ cầu, vẫn rất đông người mua.
TTXVN là cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước, nổi tiếng với các ấn phẩm Tin nhanh, Tài liệu tham khảo đặc biệt từng được đóng dấu “Mật - Không phổ biến”, phục vụ lãnh đạo và các cơ quan nghiên cứu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng từ những năm chiến tranh khốc liệt.
Tôi cho rằng, sự ra đời của báo Tuần Tin tức là một đột phá của TTXVN, thực sự tạo cú hích lớn tích cực trong làng báo Việt Nam, đáp ứng khao khát thông tin của người dân khi cả nước chỉ có chưa đầy 10 tờ báo ngày, với số trang hạn chế, cho số dân hơn 57 triệu người…
Việc cung cấp thông tin trực tiếp đến người đọc thông qua các ấn phẩm mới là quyết định của Ban lãnh đạo TTXVN, với vai trò đứng đầu là Tổng Giám đốc Đào Tùng và Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng, sau khi phải vượt qua rất nhiều rào cản về cơ chế, để mở ra hướng phát triển mới, được các thế hệ lãnh đạo sau đó tiếp nối, đưa TTXVN trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, với hơn 60 loại hình, ấn phẩm, sản phẩm thông tin hiện nay.
Báo Tuần Tin tức và các ấn phẩm khác ra đời không chỉ đánh dấu việc cơ quan ngân hàng tin được quyền cung cấp sản phẩm trực tiếp đến người đọc, mà còn là khởi đầu thời kỳ báo chí phê phán những tiêu cực trong xã hội, vạch ra những bất cập trong hoạt động quản lý kinh tế thời bao cấp, vấn đề mà các tòa soạn báo khi đó còn có tâm lý né tránh.
Có thể nói, ngoài nguồn tin báo chí từ các nước Xã hội Chủ nghĩa thời đó, Tuần Tin tức là tờ báo đi đầu trong việc khai thác thông tin trên báo, tạp chí Mỹ, Anh, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản… qua các mục Thời sự quốc tế, Nhìn ra thế giới và Tin tức đó đây, xóa dần ranh giới vẫn được coi là thông tin tham khảo và thông tin phổ biến. Đội ngũ biên tập tin Quốc tế đông và chuyên nghiệp, cùng với khả năng tiếp cận nguồn tin nhanh và rộng, là hai ưu thế sẵn có để TTXVN và Tuần Tin tức triển khai việc chuyển tải tin tức thế giới đến công chúng, khi ở trong nước còn chưa nhiều người biết tiếng nước ngoài và không có khả năng tiếp cận nguồn tin.
Nhìn lại thời gian, sẽ không nói quá khi cho rằng khối lượng những thông tin sâu rộng phong phú trên Tuần Tin tức xung quanh Chính sách kinh tế mới NEP, công cuộc cải cách ở Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa khác… đã cung cấp một phần dữ liệu bổ ích để các nhà hoạch định chính sách Trung ương nghiên cứu, mở ra công cuộc đổi mới từ năm 1986, với phương châm đổi mới kinh tế, nhưng không để gây ra xáo động tiêu cực về chính trị, xã hội...
Đối với TTXVN, việc ra mắt các ấn phẩm mới như Tuần Tin tức có vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm xã hội như thế nào trong “làng báo” lúc bấy giờ, thưa ông?
Đầu những năm 1980, nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng do cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, bị các nước bao vây cấm vận. Nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa cũng bị cắt giảm. Đời sống cán bộ công nhân viên cả nước vô cùng thiếu thốn. Không ít người phải bươn chải, kể cả nuôi lợn trên ban công nhà chung cư, chạy xe, buôn bán ngoài giờ làm việc để có thêm thu nhập.
Ở TTXVN cũng vậy. Từ khi có các ấn phẩm mới, mọi người chịu khó viết tin, dịch bài cho báo, và đã có thể sống tốt hơn bằng chính nghề của mình… Rất nhiều người ở các cơ quan khác cũng tự hào có được thu nhập thêm từ việc cộng tác với các sản phẩm của TTXVN hoặc thông qua công việc phát hành. Báo Tuần Tin tức và các ấn phẩm mới của TTXVN đã mang lại thêm nhiều công ăn việc làm, giúp thoát dần ra khỏi cơ chế bao cấp khô cứng, góp phần đưa hoạt động báo chí đi vào thị trường mới sôi động.
Từ việc viết cho các báo trong ngành, cán bộ phóng viên TTXVN còn được yêu cầu cung cấp tin bài cho các cơ quan báo chí trong nước, kể cả Đài truyền hình, Đài phát thanh, các báo Sài Gòn Giải phóng, báo Hải Phòng, báo Bắc Giang, Tổng cục Hải quan… Trong làng báo khi ấy, tôi thấy như có một luồng gió mới mạnh mẽ, khi mà tất cả đều phải cạnh tranh, đổi mới, đa dạng hóa thông tin cho người đọc, những người giờ đây có quyền lựa chọn sản phẩm mà họ yêu thích. Báo chí không những tạo ra sản phẩm mà còn tạo ra lợi nhuận…
Ngày ấy, tòa soạn báo Tuần Tin tức vận hành như thế nào, thưa ông?
Thuở ban đầu, tòa soạn Tuần Tin tức và tòa soạn Thể thao và Văn hóa ở chung một phòng trên tầng 2 biệt thự cũ thời Pháp kết nối với tầng 2 và tầng 3 tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt, xây từ năm 1973 - nơi làm việc của Ban Biên tập Tin trong nước và Ban Biên tập Tin thế giới - nguồn cung cấp tin bài chủ yếu cho các báo.
Căn phòng nhỏ chưa đầy 100 m2 được ngăn bởi chiếc kệ sách và tủ gỗ, là nơi gặp gỡ giao lưu giữa các phóng viên và cộng tác viên. Nơi đây từng ghi dấu của những nhà báo như: Nhà báo Vũ Tâm, tác giả loạt bài chống tiêu cực ở Thanh Hóa; Vũ Duy Thông, người gây rúng động làng báo với bài điều tra về những bất cập trong ngành than; Nguyễn Đức Giáp, Phó Trưởng Ban Biên tập Tin thế giới, người được Bộ Biên tập phân công chỉ đạo công việc các tòa soạn; Hoàng Dương, Thư kí Tòa soạn; Trần Tích - người sôi nổi với rất nhiều dự định…, cùng các nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã đi xa, trong đó có nhà nghiên cứu Dương Danh Dy với “Hồng Đô Nữ Hoàng”, “Thâm Cung bí sử”, nhà báo Mai Thanh Hải với “Ông cố vấn”; nhà văn Trần Thanh, nhà báo Lưu Vinh… tác giả của những truyện dài kỳ được coi là đặc sản một thời của báo.
Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận các anh Phạm Huỳnh Công, nguyên Kiểm sát viên cao cấp, nhà văn Minh Chuyên và nhiều cây bút danh tiếng… là những người đã có nhiều tâm huyết với tờ báo trong thời kỳ đầu.
Là những người tâm huyết với tòa soạn từ thời kỳ đầu, theo ông, báo Tuần Tin tức đã có những đóng góp gì vào việc làm phong phú ngôn ngữ và cách thể hiện trên báo chí?
Có lần nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình đặt câu hỏi: Ai là người đầu tiên sử dựng từ “Rúng động”? Mặc dù sau đó ông tự tìm câu trả lời, chứng minh rằng nó có trong từ điển từ năm 1958, thậm chí được dùng từ 1918, hoặc trước nữa; tuy nhiên, đối với nhiều người Việt Nam, từ “Rúng động” còn ít dùng và có thể ghi nhận nhà báo Đào Tùng là người đã làm cho từ này trở nên phổ biến.
Nhà báo Đào Tùng là nhà lãnh đạo năng động, có tinh thần đổi mới và quyết đoán. Là Tổng Giám đốc và Tổng biên tập đầu tiên của báo, các bài viết mang tính phê phán, đụng chạm liên quan đến các vấn đề trong nước đều phải có sự phê duyệt cuối cùng của ông, sau khi được Ban Biên tập Tin Trong nước và anh Trần Mai Hạnh, Thư ký Tòa soạn (sau này là Phó Tổng biên tập) đưa lên. Một thời gian dài, ông còn trực tiếp viết chuyên mục “Theo dòng thời sự” của báo, luận bàn về các vấn đề thế giới. Hồi ấy, các bài viết của ông thường được gửi tới tòa soạn vào phút chót trước khi báo lên trang và được chị Đào Lan đánh máy, chị Nguyễn Thị Hòa đọc lại, các anh Hoàng Dương, Sỹ Chân và nhóm họa sĩ lên trang lần cuối.
Tôi ấn tượng về từ “Rúng động”, một trong những từ ông dùng nhiều trong các bài viết của mình: Sự kiện rúng động, chính trường rúng động... Một từ nữa mà nhà báo Đào Tùng ưa dùng là “Gioãng ra”: Khoảng cách giàu nghèo gioãng ra, trong khi báo chí khi ấy thường diễn giải theo cách: “Hố sâu ngăn cách giàu nghèo…”.
Báo Tin tức cũng là tòa soạn tiên sử dụng từ “Nhà siêu mỏng, siêu méo” trong phóng sự về việc cải tạo mặt phố ngay sau khi mở đường Đào Tấn trên báo Tin tức buổi chiều hay cụm từ: “Không giống ai” khi đề cập tình trạng Sở Giao thông vận tải đặt các đảo phân cách giao thông bất hợp lý tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông. Nhà báo Nguyễn Đức Giáp là người đã đặt tiêu đề bài về vụ tiêu cực liên quan đến ông Đặng Đình Tám, Giám đốc một công ty ở Thanh Hóa bằng tít “Cướp cạn giữa ban ngày”. “Cướp cạn” hay “Kì án” là những từ ít dùng thời ấy và nay đã trở nên phổ biến…
Tôi cũng cho rằng, xét về nghệ thuật báo chí, ngôn ngữ, văn phong, cách thể hiện hay tư duy, nếu nghiên cứu kỹ, ta sẽ thấy rõ hơn đóng góp có ý nghĩa của Tuần Tin tức và các ấn phẩm của TTXVN trong việc làm phong phú thêm ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại. Điều này không chỉ từ sự sáng tạo của các cá nhân phóng viên, biên tập viên, mà chính là thông qua việc chuyển tải bài viết của các tác giả nước ngoài, biên tập viên buộc phải cập nhật, đồng bộ hóa những khải niệm, ngôn từ, cách diễn đạt mới, hấp dẫn của những nền văn hóa khác.
Có thể nói, chính nhờ hệ thống báo chí phát triển đông đảo trong nước, trong bốn chục năm qua, tiếng Việt đã trở nên phong phú, sinh động hơn gấp bội, nhất là trong lĩnh vực các khái niệm, thuật ngữ hay cách diễn đạt. Điều này giúp cho việc phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hay ngược lại, ngày càng dễ dàng, chuẩn xác hơn.
Ông có thể chia sẻ thêm về những kỷ niệm đáng nhớ thời kỳ còn công tác tại báo Tuần Tin tức?
Thời cao điểm của báo chí chống tiêu cực cũng là lúc báo Tuần Tin tức, nhất là mảng trong nước, được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Hàng ngày tòa soạn nhận rất nhiều thư của bạn đọc, trong đó có không ít đơn khiếu kiện hay phản ánh về những bức xúc với mong muốn tòa báo sẽ giúp họ giải quyết vấn đề. Ngày ấy, báo dành cả chuyên mục Thư bạn đọc để trả lời hoặc chuyển tiếp kiến nghị đến các nơi liên quan, nhưng cũng có nhiều người đến tận tòa soạn để phản ánh câu chuyện của mình.
Có lần tòa soạn tiếp một cụ ông từ Hưng Yên lặn lội lên Hà Nội. Đó là người cha già dáng vẻ khắc khổ, mang theo đơn nhờ báo can thiệp để giải oan cho con trai là một cựu Đại úy công an, Phó trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân, bị bắt và bị đưa vào nhà tù ở phía Nam… Đọc thư cụ, anh em trong tòa soạn hiểu được tấm lòng khắc khoải của người cha, nhưng ái ngại thực sự là nguyện vọng của cụ vượt quá sức của một tòa báo…
Tôi nhớ đó là năm 1986. Điều rất mừng là sau đó, con trai cụ được trắng án và trở lại cơ quan cũ ở Hà Nội. Trong những năm tháng vất vả hội nhập cuộc sống mới, ban đầu, người con trai này đã phải làm phát hành báo, trong đó có cả báo Tuần Tin tức và cũng tham gia viết bài cho báo với những chuyện vụ án được đăng trên mục truyện dài nhiều kỳ của báo Tuần Tin tức. Ông là nhà văn Hữu Ước, sau này là Trung tướng, Tổng biên tập báo Công an nhân dân, Tổng biên tập báo An ninh Thế giới…
Thật ra những câu chuyện xúc động, đáng nhớ. Xin rất trân trọng cảm ơn ông!