Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở 36 tỉnh

Mỗi năm Việt Nam có đến nửa triệu dân cần tiêm vắc xin dại, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, tạo gánh nặng không nhỏ cho nguồn lực xã hội và đời sống nhân dân.

Bổ sung vắc xin dại vào Chương trình 30a để hỗ trợ các huyện nghèo, hỗ trợ tiêm vắc xin kháng huyết thanh miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay kiểm soát vận chuyển chó thông qua việc thiết kế xây dựng trạm lưu giữ tạm thời... là những giải pháp được đưa ra tại "Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại tại các tỉnh trọng điểm" do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lào Cai tổ chức vào chiều 3/10.

Chú thích ảnh
Việc nuôi và thả chó chạy rông ra đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh dại. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Tại hội nghị, đại diện của 36 tỉnh trọng điểm về dại và các đại biểu tổ chức quốc tế, ban ngành liên quan đã bàn thảo nhằm tìm giải pháp tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, giảm số người tử vong ở các tỉnh trọng điểm và giải quyết việc buôn bán thịt chó trong công cuộc loại trừ bệnh dại...

Theo Viện dịch tễ Trung ương, bệnh dại hiện đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ năm 2008 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã có 512 trường hợp tử vong do bệnh dại; trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2018 có 67 người tử vong, xuất hiện ở 6 tỉnh mới là Hòa Bình, Phú Thọ, Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Kon Tum.

Đặc biệt, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong suốt 20 năm qua, số ca tử vong do bệnh dại chiếm đến 50% số ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. 90% số ca tử vong vì bệnh dại do người dân không đi tiêm vắc xin phòng dại…

Mỗi năm Việt Nam có đến nửa triệu dân cần tiêm vắc xin dại, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, tạo gánh nặng không nhỏ cho nguồn lực xã hội và đời sống nhân dân.

Mặc dù bệnh dại diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhưng hiện nay công tác phòng, chống bệnh dại trên cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tình trạng thiếu vắc xin phòng dại cục bộ vẫn diễn ra ở 208/4 huyện và giá vắc xin phòng dại khá cao.

Các địa phương cũng chưa quản lý được đàn chó nuôi, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó rất thấp. Tính đến tháng 9/2018, cả nước có 5,4 triệu con chó được nuôi tại các gia đình,  nhưng mới có 39% số chó nuôi này được tiêm phòng…

Nhằm đạt mục tiêu khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2010 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại, hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại các địa phương.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình khám và tư vấn điều trị dự phòng cho người dân bị chó cắn. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Trong đó, Cục Thú y Việt Nam đề xuất bổ sung vắc xin dại vào Chương trình 30a để hỗ trợ các huyện nghèo, dự phòng vắc xin dại để hỗ trợ địa phương tiêm phòng bao vây ổ dịch; khuyến khích các địa phương du lịch phát triển xây dựng vùng an toàn bệnh dại.

Ngoài ra, Cục cần xây dựng kế hoạch giám sát chủ động, bản đồ dịch tễ lưu hành mầm bệnh, ổ dịch, đánh giá hiệu lực vắc xin để công khai trên các phương tiện truyền thông và thông tin cho các cơ quan liên quan, nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin dại trong nước...

Cục Thú y đề nghị Bộ Y tế, hỗ trợ tiêm vắc xin kháng huyết thanh miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như các cán bộ làm công việc lấy bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc xin dại cho chó...

Đồng thời bổ sung bệnh dại vào bảo hiểm y tế, tổ chức bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ nuôi chó đã chấp hành tiêm phòng cho chó trong trường hợp chó cắn người hoặc người bị chó cắn tử vong....

Tại hội nghị, bà Thẩm Hồng Phượng, đại diện Tổ chức Đối xử nhân đạo với động vật - thành viên của nhóm ACPA (Liên minh các tổ chức bảo vệ vệ chó Châu Á) nhấn mạnh giết mổ chó hay mèo làm thịt là một trong các tuyến đường lan truyền bệnh dại và nguyên nhân gây ra 1,6% bệnh dại ở người trong những năm gần đây.

Vận chuyển chó từ vùng này sang vùng khác mà không kiểm soát hoặc kiểm soát yếu kém việc chó có tiêm phòng hay chưa cũng là một trong các tuyến lan truyền bệnh dại ở động vật và làm giảm đi hiệu quả tiêm chủng.

Từ thực trạng đó, Giáo sư Louis Nel của Liên minh toàn cầu kiểm soát bệnh dại cho biết: "Chúng ta không thể dễ dàng thay đổi văn hóa hay thói quen nhưng chúng ta phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp đã được xác nhận để phòng bệnh trên động vật và ngăn chặn buôn lậu chó, hạn chế lây lan bệnh dại, bệnh dịch đặc hữu trên khắp châu Á..."

Cũng theo bà Thẩm Hồng Phượng, Liên minh các tổ chức bảo vệ chó Châu Á có thể hỗ trợ Việt Nam thí điểm kiểm soát vận chuyển chó thông qua việc thiết kế xây dựng trạm lưu giữ tạm thời; cung cấp thức ăn và vắc xin cho chó trong thời gian tạm giữ và hỗ trợ các biện pháp tiêu hủy nhân đạo trong tình huống chó bệnh hoặc bị thương nặng. Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các chiến dịch truyền thông.

Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu và đại diện các cơ quan chuyên môn một số địa phương cũng chia sẻ về tình hình bệnh dại và các biện pháp cấp bách triển khai kiểm soát bệnh dại ở địa phương, phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống bệnh dại.

 

Hương Thu (TTXVN)
Nâng cao ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại
Nâng cao ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình, trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 200 người đến điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN