Một vườn cây cà phê bị héo khô vì nắng hạn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có 115.065 ha bị thiếu nước tưới, khô hạn làm giảm năng suất từ 30% đến 70% hoặc cây chết khô mất trắng. Trong số này, tỉnh Đắk Lắk là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 56.1 ha cà phê bị khô hạn, mất trắng gần 4.399 ha; tỉnh Đắk Nông có 22.000 ha bị thiếu nước tưới, trong đó 4.977 ha mất trắng hoặc giảm 70% năng suất; tỉnh Lâm Đồng có 28.859 ha bị thiếu nước tưới…
Hiện nay, hầu hết các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, các dòng suối trên địa bàn Tây Nguyên đã khô cạn. Mực nước ngầm cũng giảm nghiêm trọng, có nơi giảm từ 5 đến 8 mét, các giếng đào cũng cạn trơ đáy nên không đủ nguồn nước tưới cho cà phê.
Ngay tại Đắk Lắk, nơi có trên 600 hồ chứa, đập dâng thì nay đã có 330 hồ chứa, đập dâng cạn trơ đáy, cộng với đó, mực nước ngầm giảm từ 3 đến 7 mét. Các dòng suối, hai sông lớn Ea H’leo, Krông Năng cũng đã khô cạn hoàn toàn nên rất khó khăn nguồn nước để phục vụ chống hạn cho cây cà phê.
Do vậy, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương, ở những nơi khó khăn về nguồn nước, vận động người dân chỉ tưới cho cây cà phê đủ sống qua mùa khô, không nhất thiết phải có năng suất, sản lượng, hạn chế để cây cà phê chết khô, giảm bớt thiệt hại. Thực tế, diện tích cà phê bị mất trắng đều khô cành không chỉ mất sản lượng cà phê trong niên vụ 2016-2017 mà người dân còn phải đầu tư vốn, lao động khá lớn để phục hồi lại vườn cây từ 2 đến 3 vụ sau mới cho thu hoạch trở lại.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện đã có mưa dông làm cho các vườn cà phê tươi tỉnh trở lại. Các địa phương đang hướng dẫn người dân kiểm tra cụ thể từng vườn cà phê để có kế hoạch trồng dặm trở lại đối với số cây cà phê chết khô, đồng thời, tổ chức tỉa cành khô, cành sâu bệnh, già, còi cọc, cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất, các cành cà phê thứ cấp… nhằm tạo điều kiện dồn dinh dưỡng nuôi cành, nuôi quả cà phê trong mùa khô.
Các tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tăng cường kiểm tra, phòng trừ rệp sáp, bọ xít gây hại cà phê trong mùa khô. Đặc biệt, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp không được chủ quan, vẫn dự trữ, tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê trong bối cảnh thời tiết bất thường như hiện nay.