Người bệnh đến với các bệnh viện tuyến dưới tại TP Hồ Chí Minh ngày một đông hơn. |
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mỗi năm hệ thống y tế địa phương này (gồm bệnh viện (BV) tuyến trung ương/ngành, BV công và BV tư) đã tiếp nhận khám chữa bệnh cho hơn 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có gần 60% bệnh nhân đến từ địa phương khác.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, trong nhiều năm qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực của tuyến dưới thông qua việc đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ theo Đề án 1816 tại các tỉnh phía nam nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho các bệnh viện này, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế Thành phỗ đã thực hiện rất nhiều các giải pháp, biện pháp để giảm tải cho vbệnh viện. Đầu tiên là tăng thêm giường bệnh, xây thêm bệnh viện mới và cải tạo nâng cấp các bệnh viện, phát triển hệ thống bệnh viện tư nhân (hiện có 47 bện viện). Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo củng cố và phát huy năng lực kỹ thuật chuyên môn cho hệ thống bệnh viện quận, huyện vốn chưa sử dụng hết công suất gường bệnh.
Theo đó, các bệnh viện thành phố triển khai các phòng khám vệ tinh và khoa vệ tinh tại các bệnh viện quận huyện, như BV Chấn thương chỉnh hình triển khai 100 giường tại BV An Bình từ năm 2012, đến nay công suất sử dụng giường nội trú đạt 100% hay BV Nhi đồng 1 triển khai 150 giường tại BV quận Bình Tân, Bệnh viện Tân Phú 70 giường và phòng khám bệnh viện vệ tinh tại BV Huyện Củ Chi, BV Quận 6….
Các bệnh viện thành phố trong thời gian qua đã chuyển giao 45 gói kỹ thuật cho các bệnh viện quận, huyện, đồng thời tất các các bệnh viện quận, huyện đều được thành lập khoa Sản và khoa Nhi, chiếm 20% tổng số giường bệnh/bệnh viện vì đây là 2 chuyên khoa đáp ứng mô hình bệnh tật phổ biến của mỗi địa phương.
“Số bệnh nhân đến các BV quận, huyện khám chữa bệnh ngoại trú gia tăng nhanh, có nơi tăng đến 26% như BV quận 2, BV quận Thủ Đức… Số bệnh nhân điều trị nội trú tại các BV quận, huyện cũng tăng đến 19%. Riêng tại BV huyện Cần Giờ, từ khi có phòng khám vệ tinh của BV Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi đến khám tăng đến 70%”, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.
Đối với Đề án 1816, tính đến thời điểm này, có hơn 2.237 lược bác sĩ từ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 28 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Ngoài ra, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh cũng chuyển giao gần 1.500 kỹ thuật cho hơn 5.000 lượt cán bộ y tế thuộc khu vực phía Nam. Hệ thống các khoa, phòng khám vệ tinh được thiết lập tại 24 BV quận, huyện đã “giảm áp” hiệu quả cho các BV tuyến trên.
Trong chương trình hỗ trợ trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cử 8 BV trực thuộc (Nhân dân Gia định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình) tham gia làm BV hạt nhân cho BV vệ tinh của 19 tỉnh thành ở phía nam (Lâm Đồng, Tiền Giang, Cà Mau, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ninh Thuận, Kiên Giang, Đồng Nai...). Các lĩnh vực mũi nhọn được chuyển giao chủ yếu là nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, sản khoa...
Không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho các BV tỉnh, các BV tuyến trên của TP Hồ Chí Minh còn chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến quận, huyện của Thành phố.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết sau khi BV Nhi đồng 2 đến đặt khoa nhi vệ tinh, rồi rút về, nay BV quận 2 đã tự khám, chữa bệnh được nhiều bệnh lý như: hô hấp, sơ sinh, tay chân miệng, sốt xuất huyết, hồi sức nhi… Hiện BV có 16 bác sĩ chuyên khoa nhi, mỗi ngày khám 200 lượt bệnh nhi; giường bệnh nội trú đạt 90%, tăng 10 - 20% so với trước đây. BV Ung bướu cũng đặt vệ tinh tại BV quận 2. Đến nay, mỗi ngày BV khám khoảng 400 lượt bệnh nhân ung thư; 150 giường bệnh khoa ung bướu vệ tinh nằm kín bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Thái Phương Phiên, Giám đốc BV tỉnh Ninh Thuận, cho hay BV Chấn thương chỉnh hình của TP.HCM đã chuyển giao và BV Ninh Thuận đã làm được một số kỹ thuật cao như: thay khớp háng, thay khớp gối, chữa đứt dây chằng chéo, đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ, nội soi khớp... Nhờ đó, nếu trước đây các loại bệnh chấn thương chỉnh hình nằm điều trị ở tỉnh 40 - 50 người thì nay đã lên 90 - 100 người.
“BV đã được BV Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật mổ chấn thương sọ não ở trẻ em, đến nay BV đã mổ được 25 ca”, Th.S BS Chu Văn Thiện, Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ.
Gần đây, BV Nhi đồng Đồng Nai đã giữ lại theo dõi và mổ 10 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông mà không cần phải chuyển đi. BV cũng đã mổ 10 ca sứt môi hở hàm ếch. Các bệnh dị tật bẩm sinh (thoát vị hoành, hở thành bụng), đường tiết niệu..., bước đầu BV cũng đã làm được. BV Nhi đồng Đồng Nai cũng đã làm chủ kỹ thuật thở máy cao tần, lọc máu những ca bệnh nặng (nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết nặng...) không cần phải lên tuyến trên.
Tuy nhiên, các BV vệ tinh cũng kiến nghị khi được chuyển giao kỹ thuật thì cần có trang thiết bị tương ứng.