Tăng 1.716 ca mắc mới so với 6/9
Từ 17 giờ ngày 6/9 đến 17 giờ ngày 7/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới tại 40 tỉnh, thành phố; trong đó 15 ca nhập cảnh và 14.193 ca ghi nhận trong nước. Đáng chú ý, số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh là 7.310 ca, Bình Dương 3.966 ca.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.716 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1.772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca.
Thống kê kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 546.3 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày 7/9, có 10.253 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 311.710 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó: Số bệnh nhân nặng đang điều trị tích cực thở ô xy qua mặt nạ là 4.015 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.274 ca; thở máy không xâm lấn là 119 ca; thở máy xâm lấn là 926 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 35 ca.
Ngày 7/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố, ghi nhận 316 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (253 ca), Bình Dương (40 ca), Long An (7 ca), Tiền Giang (7 ca), Khánh Hòa (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Đồng Tháp (1 ca), Phú Yên (2 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Người dân Hà Nội vẫn có thể sử dụng giấy đi đường mẫu cũ
Chiều 7/9, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”.
Để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
TP Hà Nội chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Các địa phương phải tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường; lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc.
Bổ sung 3 Phó Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc BCĐQG phòng chống dịch COVID-19
Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1461/QĐ-TTg bổ sung 3 Phó Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, bổ sung Phó Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 như sau:
1. Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
2. Ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
3. Ông Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Theo Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thành lập 8 Tiểu ban, trong đó, Tiểu ban Vận động và huy động xã hội do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Vận động và huy động xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng chỉ đạo 10 tỉnh thành chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng, chống dịch
Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, cùng 10 tỉnh, thành phố phía Bắc chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình chủ động chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ ngày 29/4 đến trưa 7/9, Hà Nội ghi nhận 3.614 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.569 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 2.045 ca.
Từ ngày 6 đến 12/9, Hà Nội sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn Thành phố theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Hà Nội đặt mục tiêu trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh để vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.
TP Hồ Chí Minh gia hạn xét nghiệm miễn phí cho shipper
Liên quan đến việc tổ chức cho các shipper tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa đồng ý với đề nghị của Sở Công Thương thành phố về việc gia hạn đến hết ngày 15/9 cho việc tổ chức xét nghiệm nhanh, miễn phí COVID-19 đối với lực lượng shipper trên toàn thành phố.
Xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch.
Trong thời gian qua, một số cơ quan báo chí, mạng xã hội đã đưa tin chưa đúng về công tác phòng, chống dịch; sử dụng hình ảnh, thông tin không đúng quy định về phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; cố tình lợi dụng, trục lợi trong thực thi nhiệm vụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không mạng thời gian qua, Bộ nhận thấy tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng, đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao liên quan đến công tác phòng, chống, dịch thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn…