Tổ an toàn COVID-19 - 'Lá chắn' bảo vệ công nhân lao động

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh đã thành lập được hơn 2.300 Tổ an toàn COVID-19 tại 188 doanh nghiệp có đông công nhân.

Qua kiểm tra thực tế, các Tổ an toàn COVID-19 ở các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, trở thành “lá chắn” an toàn bảo vệ công nhân, lao động; duy trì và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh

Chú thích ảnh
Công tác phòng dịch tại Công ty TNHH Giày Kim Việt Việt Nam (Nông Cống) được công ty thực hiện nghiêm ngặt. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Kim Việt Việt Nam (huyện Nông Cống) đang tạo công ăn việc làm cho gần 7.000 lao động tại địa phương và các huyện lân cận. Xác định tình hình dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, do vậy công tác phòng, chống dịch trở thành nhiệm vụ cấp bách được công ty thực hiện nghiêm ngặt. Công ty đã thành lập được 12 Tổ an toàn COVID-19, mỗi tổ gồm 3 người, có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể.

Theo đó, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở công nhân lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong và ngoài giờ làm việc; theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình sức khỏe hàng ngày đối với cán bộ, nhân viên, người lao động tại đơn vị, như đo thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn… Cùng với đó, tổ kiến nghị người có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của doanh nghiệp; báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, Công đoàn cơ sở, bộ phận y tế của doanh nghiệp khi phát hiện công nhân có biểu hiện nghi mắc COVID-19 để tổ chức cách ly, lấy mẫu kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Trước đây, khi chưa thành lập Tổ an toàn COVID-19, công tác phòng, chống dịch vẫn được công ty thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên chưa được sát sao và kịp thời. Bởi, Công ty đông công nhân lao động, cán bộ công đoàn mỏng nên không thể bao quát, nhắc nhở kịp thời. Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, Tổ an toàn COVID-19 đã thực sự phát huy tác dụng. Hàng ngày, các thành viên trong tổ được dành một phần thời gian, ít nhất 30 phút, để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Do được tuyên truyền trực tiếp hằng ngày, hằng giờ nên công nhân lao động đã ý thức được trách nhiệm của bản thân trong công tác phòng, chống dịch.

“Ngoài việc thành lập các Tổ an toàn COVID-19, Công ty thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ Công ty vào những ngày nghỉ; chủ động lên kế hoạch và có phương án cách ly tạm thời công nhân khi có dấu hiệu nghi mắc. Có quy định xử lý vi phạm như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức… đối với những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch…”, bà Mến cho biết thêm.

Ông Trương Bá Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nông Cống cho biết, huyện Nông Cống có khoảng 10.000 công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Với tinh thần “Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi người lao động là một chiến sĩ”, đến nay huyện đã thành lập được 27 Tổ an toàn COVID-19 tại 6 doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Công đoàn huyện đang phối hợp sát với công đoàn cơ sở thường xuyên nắm công tác phòng dịch tại doanh nghiệp, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của huyện để có phương án xử lý kịp thời…

Chú thích ảnh
100% công nhân khi làm việc đều đeo khẩu trang đúng cách và thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Công ty Giày ADIANA (huyện Triệu Sơn) cũng đã thành lập được 17 Tổ an toàn COVID-19. Trong đợt dịch này, qua hoạt động kiểm tra, giám sát, các thành viên trong tổ đã truy vết được 8 trường hợp công nhân, lao động thuộc diện F3, kịp cách ly tại nhà 14 ngày. Cùng với đó, hàng ngày, các thành viên trong tổ sẽ cùng với bộ phận y tế của công ty kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước khi lên ca; thường xuyên nhắc nhở công nhân đeo khẩu trang đúng cách, tránh tụ tập đông người trong và ngoài giờ làm việc… Bên cạnh đó, công ty trang bị đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang; lắp vách ngăn sạch sẽ tại nhà ăn của công nhân. Lịch trình đi/đến của tất cả khách hàng đều được doanh nghiệp lưu vào “Nhật ký COVID-19”. Những trường hợp đi, đến từ vùng có dịch đều không được vào công ty…

Ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, Tổ an toàn COVID-19 thành lập nhằm kịp thời chung sức cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi người lao động là một chiến sĩ”. Đây là việc làm rất cần thiết, vì Thanh Hóa là tỉnh có số lượng công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đông, với 187.816 người. Trong đó, khoảng 120 doanh nghiệp có từ 200 công nhân lao động, hơn 20 doanh nghiệp có từ 1.000 công nhân lao động trở lên.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có số lượng công nhân lao động lên tới hàng vạn người tiềm ẩn rất lớn nguy cơ bùng phát dịch như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Annora Việt Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rollsport (Triệu Sơn, Thanh Hóa), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn)…

Bài và ảnh: Khiếu Tư (TTXVN)
Hà Nội: Tăng cường 'Tổ an toàn COVID-19' trong phòng, chống dịch
Hà Nội: Tăng cường 'Tổ an toàn COVID-19' trong phòng, chống dịch

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp chỉ đạo thành lập "Tổ an toàn (chống) COVID-19" tại các doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN